Cẩn trọng với giao dịch thông qua người thứ ba

Theo thống kê các vụ việc giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nay ngành nông sản có số lượng tranh chấp khá phổ biến. Và thông thường, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài yêu cầu thụ lý tại VIAC đều có trị giá tranh chấp trên vài tỷ đồng Việt Nam.

Đáng chú ý, trong một số giao dịch thương mại có sự xuất hiện của người thứ ba (xúc tiến quan hệ giữa người mua thực tế và người bán thực tế), tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để rõ hơn về vấn đề này, Báo SGGP đã ghi lại nội dung cuộc trao đổi với luật sư Châu Việt Bắc, Phụ trách chi nhánh VIAC TPHCM.

Cẩn trọng với giao dịch thông qua người thứ ba ảnh 1 Luật sư Châu Việt Bắc trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi tập huấn nâng cao kiến thức pháp lý diễn ra ở TPHCM
Trao nhầm niềm tin, mất ngay… chục tỷ

Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiện nay có một số đặc trưng. Ví dụ về ngôn ngữ tố tụng, theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC, ngôn ngữ tố tụng sẽ theo thỏa thuận của các bên. Hoặc trường hợp không có thỏa thuận thì hội đồng trọng tài quyết định dựa trên ngôn ngữ hợp đồng, thường chủ yếu là bằng tiếng Anh.

Dưới đây là một tình huống liên quan đến việc giải thể của doanh nghiệp thứ ba trong mối quan hệ giao dịch mặt hàng nông sản. Cụ thể: doanh nghiệp C thực hiện hợp đồng số 1 mua hàng của A (doanh nghiệp Việt Nam) và hợp đồng số 2 bán mặt hàng đó cho B (doanh nghiệp nước ngoài) với giá trị lô hàng gần 10 tỷ đồng.

C đóng vai trò trader - người thứ ba là trung gian giao dịch, thúc đẩy quan hệ giữa người mua thực tế và người bán thực tế. Nhưng trong một số trường hợp, C chỉ đóng vai trò hỗ trợ thủ tục xuất khẩu và thanh toán, đại diện giao dịch của A với B. A thông thường là SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ) cần trung gian để kết nối với đối tác ngoại, có các hợp đồng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Nhưng trong trường hợp này, A lại là một doanh nghiệp lớn và vẫn cần cơ chế như thế này để thuận lợi hơn trong việc giao dịch xuất nhập khẩu. Theo cơ chế trader, A trực tiếp giao hàng cho B theo chỉ định của C, hình thức thanh toán cũng tương tự quy định trong điều khoản thanh toán và giao dịch trên được tiến hành theo mô hình “giao hàng từng phần”. Ban đầu B thanh toán theo chỉ định của C cho A, nhưng tại một thời điểm, B không thanh toán và thiếu A khoản tiền 3 tỷ đồng. A kiện C tại VIAC yêu cầu trả số tiền nêu trên.

Trong quá trình xác minh chủ thể, VIAC phát hiện C đã giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do vi phạm quy định Luật Quản lý thuế. Theo thủ tục tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài, hệ quả pháp lý đều như nhau là dẫn đến vụ việc bị đình chỉ (và trong trường hợp này VIAC đã đình chỉ vụ việc trên).

Chủ động phòng ngừa

Trong quá trình giao kết hợp đồng, doanh nghiệp nên thận trọng tìm hiểu kỹ các thông tin, yếu tố pháp lý liên quan để đưa ra quyết định phù hợp. Chẳng hạn, đối với tình huống trên, thực tế C cũng có những ưu điểm nhất định.

Ví dụ, có tư cách pháp lý dễ dàng thực hiện giao dịch, mở rộng kênh phân phối, mạng lưới kinh doanh… Ngược lại, nhược điểm chính là rủi ro trong việc kiểm soát số lượng hàng hóa xuất khẩu - nhập khẩu. Theo đó, bài học rút ra cho doanh nghiệp là nên cẩn trọng khi sử dụng phương thức giao dịch thông qua người thứ ba. Không nên phụ thuộc hoàn toàn vào người thứ ba.

Đồng thời để tránh rủi ro như tình huống phía trên, doanh nghiệp nên ràng buộc đại diện pháp lý của công ty (bên C) vào hợp đồng với vai trò là người bảo lãnh nghĩa vụ của công ty, sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của A khi phát sinh tranh chấp.

Để tiến hành các bước đòi nợ trong tình huống này, cần xét đến trường hợp nếu C giải thể thì A sẽ không thể đòi khoản tiền 3 tỷ đồng từ C và từ B. Trường hợp C chưa giải thể, A có thể biết được và hỗ trợ C trong việc trả khoản nợ thuế mà C gặp phải.

Lúc này, qua cơ chế hợp đồng giữa B - C, C có thể kiện B và bằng phán quyết của trọng tài để buộc B thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền. Đây là điểm nổi bật của tố tụng trọng tài khi phán quyết của trọng tài sẽ được công nhận và thi hành dễ dàng tại quốc gia của B là thành viên Công ước NewYork năm 1958.

Tin cùng chuyên mục