Cảng biển Trần Đề: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL

Cảng biển Trần Đề được định hướng phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự án cảng biển có nhu cầu vốn giai đoạn khởi động khoảng 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 80-100 triệu tấn/năm đang được kỳ vọng là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát khu vực cảng biển Trần Đề vào tháng 4-2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát khu vực cảng biển Trần Đề vào tháng 4-2022

Cửa ngõ ra biển cho ĐBSCL

Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 2-4-2022) của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP (ngày 18-6-2022) của Chính phủ “ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025” xác định rõ, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, thời gian qua, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Trong đó, việc triển khai đầu tư hệ thống các đường cao tốc trục dọc, trục ngang, đồng bộ với hệ thống cảng của vùng đang được kỳ vọng giải quyết điểm nghẽn của vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, các cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để hình thành cảng biển Trần Đề, với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL đã cơ bản hoàn thiện. Hiện tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc trình phê duyệt quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề. Một khi hoàn thành, cảng biển Trần Đề sẽ là mảnh ghép hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, khẳng định, để làm một cảng cửa ngõ cho ĐBSCL, không có địa điểm nào tốt bằng Trần Đề (Sóc Trăng) và nếu không có cảng biển này thì vùng ĐBSCL sẽ khó phát triển mạnh mẽ. Nếu cảng biển được đầu tư sớm sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, tạo cơ hội cho vùng ĐBSCL phát triển nhanh, đột phá, vì ngoài việc giải quyết bài toán lưu thông lượng lớn hàng hóa chủ lực xuất khẩu của vùng, thì cảng biển Trần Đề còn là đòn bẩy giúp hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp ở khu vực lân cận cảng và các tỉnh thành trong vùng. Như vậy, so với chi phí đầu tư vào cảng thì sức hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp lớn hơn nhiều. Do đó, hiệu quả kinh tế mà cảng biển Trần Đề mang lại là vô cùng lớn.

Mới đây, tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với vai trò là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng, nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của vùng ĐBSCL là hệ thống giao thông có nhưng chưa đầy đủ và đồng bộ; không có cảng nước sâu và hệ thống giao thông kết nối. Trong khi đó, vận chuyển đường bộ chi phí cao, đường sắt lại không có, kéo theo hệ lụy từ chi phí, sản xuất, thu hút đầu tư, kể cả nguồn nhân lực... Do đó, cần phải xác định và đầu tư cảng biển nước sâu trong khu vực để giải quyết vấn đề này.

Doanh nghiệp mong chờ

Nhu cầu cần có một cảng biển nước sâu tại khu vực ĐBSCL để trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa trong vùng trở nên bức thiết. Hiện hệ thống cảng trong vùng chủ yếu nằm trong sông, hệ thống luồng lạch bị sa bồi ở các cửa sông, cửa biển, do đó các tàu tải trọng lớn không thể ra vào, nên hàng xuất nhập khẩu toàn vùng chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy nội địa tiếp chuyển về các cảng biển tại Đông Nam bộ khiến chi phí vận chuyển tăng, làm giảm sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại ở các nước trên thị trường thế giới.

Quy hoạch cảng biển Trần Đề

Quy hoạch cảng biển Trần Đề

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, đơn vị chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, cho biết, công ty hiện đang có 6 nhà máy, với hơn 5.000 lao động và đang tạo ra khối lượng hàng hóa từ 25.000-30.000 tấn/năm. Hơn 27 năm qua, công ty phải vận chuyển lượng hàng hóa này lên các cảng ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Trong khi tuyến đường bộ từ miền Tây đến các cảng khá xa, mật độ lưu thông cao, phí vận chuyển 2 chiều mỗi container lạnh 40 feet lên đến 700 USD. Ngoài ra, điều đáng lo ngại là những rủi ro gặp phải trên đường đi như kẹt xe, sự cố giao thông… làm chuyến hàng không đến cảng kịp thời, sẽ gây thiệt hại rất lớn cho công ty. “Có cảng biển Trần Đề chúng tôi rất vui mừng, vì sẽ hỗ trợ nhiều mặt cho công ty như giảm chi phí vận chuyển, giá thành, giảm rủi ro hàng trên đường và tăng độ tin cậy với các đối tác trong quá trình giao nhận hàng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp… Theo ước tính, khi có cảng biển Trần Đề của vùng thì Sao Ta sẽ giảm được khoảng 20 tỷ đồng/năm về chi phí vận chuyển”, ông Hồ Quốc Lực cho biết thêm.

Là một đơn vị chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo của vùng ĐBSCL, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng, cảng biển là một mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi logistics và rất cần thiết cho các quốc gia có biển, phát triển kinh tế biển. Trong khi đó, vùng ĐBSCL có 3 vựa hàng hóa lớn, có sức ảnh hưởng tầm quốc tế là thủy sản, rau củ, trái cây và lúa gạo. Tại Công ty Trung An, mỗi năm xuất khẩu khoảng 200.000 tấn hàng hóa và hầu như đều phải xếp hàng qua các cảng ở TPHCM. Cảng biển Trần Đề nếu được xây dựng và đưa vào khai thác chính là điểm mấu chốt giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL. Cụ thể, theo ước tính, nếu gạo thông qua cảng Trần Đề để xuất khẩu sẽ giảm khoảng 40% chi phí vận chuyển so với qua cảng TPHCM; đối với mặt hàng thủy sản, trái cây có thể giảm chi phí lên đến 50%. Như vậy, mỗi năm sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu USD cho doanh nghiệp, người dân, chưa kể các chi phí rủi ro hao hụt khác.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, doanh nghiệp thủy sản lớn nhất Việt Nam, cho biết: “Các doanh nghiệp của ĐBSCL đã bao năm mơ ước trong vùng có cảng biển nước sâu để xuất khẩu sản phẩm của mình làm ra. Từ đây, góp phần giúp giảm giá thành, thời gian vận chuyển và tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, đồng thời cũng là động lực lớn giúp doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất tôm cá, lúa gạo, trái cây và nông sản… Với ý nghĩa trên, tôi tin rằng ĐBSCL sẽ sớm hoàn thành cảng biển nước sâu Trần Đề, giúp các địa phương trong vùng cất cánh”.

Hơn 50.000 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1 cảng biển Trần Đề

Cảng biển Trần Đề được quy hoạch có tổng diện tích khoảng 5.400ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 50.000 tỷ đồng. Trong đó, diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi gần 1.400ha; diện tích khu dịch vụ, hậu cần, cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ là 4.000ha. Cảng sẽ có vùng hấp dẫn đối với 8 tỉnh thành, gồm: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Cảng biển Trần Đề có cầu vượt biển dài 18km, 15 cầu cảng, đê chắn sóng dài 8,3km, có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT với công suất từ 80-100 triệu tấn/năm; trong đó, giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 30-35 triệu tấn/năm. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24-7-2023, phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục