
Cảng Hải Phòng đã đi qua hơn một thế kỷ, trở thành thương cảng phồn thịnh có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Hơn 100 năm qua, Cảng Hải Phòng liên tục tiến ra biển lớn, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong nhóm cảng Đông Bắc của Tổ quốc. Cảng Hải Phòng hình thành từ một làng chài bên sông Cấm, lúc đó chỉ có 6 kho, 6 bến tàu, vì thế quen gọi là bến Sáu Kho. Hôm nay, trên dòng sông Cấm, một hệ thống cảng biển liên hoàn kéo dài ra cửa biển, trong tương lai hình thành cảng cửa ngõ cho cả khu vực phía Bắc nước ta tại Lạch Huyện (Cát Hải).
- Từ bến chỉ có 6 kho
Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dưới thời phong kiến, thương cảng chính ở miền Bắc là Vân Đồn, Phố Hiến, còn Hải Phòng chỉ là làng chài thưa vắng. Việc lựa chọn Hải Phòng ban đầu không hề có ý nghĩa như một thương cảng, mà chỉ như căn cứ để thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.

Tàu nước ngoài vào bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: DUY THÍNH
Địa điểm này lần đầu được nhắc đến vào năm 1857 với tên Cửa Cấm trong báo cáo của phái đoàn Pháp đến Việt Nam xin thả các giám mục bị bắt giữ. Đến năm 1874, Pháp ký với triều Nguyễn hiệp ước Philastre quy định chính quyền bản sứ nhượng cho Pháp mảnh đất nhỏ 5 mẫu ở sông Cấm để đặt sở thuế quan và tòa lãnh sự.
Cuộc kiến tạo xây dựng cảng Hải Phòng bắt đầu từ năm 1876. 70 năm thuộc Pháp (1874- 1944), Hải Phòng vừa là trung tâm công nghiệp lớn, vừa là một hải cảng, là đầu mối của tuyến đường sắt lên Vân Nam (Trung Quốc), nên hoạt động xuất nhập khẩu thông qua Cảng Hải Phòng rất mạnh trong thế kỷ này.
Là cửa khẩu giao lưu quốc tế, Cảng Hải Phòng còn là nơi tiếp nhận các trào lưu cách mạng, đầu mối giao thông liên lạc, vận chuyển tài liệu, đưa đón các đồng chí lãnh đạo Đảng ta ra nước ngoài, hoặc trở về nước hoạt động. Ngày 24-11-1929, hàng trăm công nhân bến Sáu Kho vùng lên đấu tranh, biểu tình chống lại giới chủ Pháp, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, đòi nước uống thắng lợi.
Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên có sự lãnh đạo của những đảng viên cộng sản Việt Nam dẫn tới việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Cảng Hải Phòng vào ngày 28-11-1929. Từ đó, ngày 24-11 hàng năm trở thành ngày truyền thống của công nhân Cảng Hải Phòng.
- Đến bến cảng với công suất gần 400.000 TEU/năm
Ngay sau ngày thành phố giải phóng, Cảng Hải Phòng không ngừng được nâng cấp và mở rộng, góp phần đưa sản lượng hàng hóa thông qua ngày một cao, thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện miền Nam đánh giặc Mỹ. Hôm nay, Cảng Hải Phòng ngày một dài, rộng, trở thành thương cảng lớn, hiện đại ở Đông Nam á với cầu bến cho phép tàu chở container trọng tải hơn 10 nghìn DWT vào làm hàng.
Cảng Chùa Vẽ được trang bị những thiết bị làm hàng container hiện đại như hệ thống cần cẩu giàn, cần cẩu bãi có sức nâng lớn nên chỉ trong vòng 10-12 giờ có thể giải phóng xong tàu hơn 1 vạn tấn. Bằng nguồn vốn tự bổ sung (gần 250 tỷ đồng), Cảng Hải Phòng đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, thay thế nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại góp phần đưa sản lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một tăng.
Sau hơn 10 năm chuyển đổi cơ chế quản lý, cảng vượt qua những khó khăn, thách thức đưa sản lượng hàng qua cảng tăng bình quân 12% - 15% năm. Năm 2003 là năm đầu tiên, Cảng Hải Phòng vượt qua sản lượng 10 triệu tấn. Bến cảng Chùa Vẽ trở thành cảng container lớn và hiện đại nhất phía Bắc với công suất gần 400.000 TEU/năm, chiếm 25% sản lượng container cả nước.
- Cảng cửa ngõ Lạch Huyện
Trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực cũng như xu thế phát triển của các cảng biển trên thế giới, Chính phủ quyết định phê duyệt “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1)”, xác định: xây dựng cảng cửa ngõ phía Bắc tại Lạch Huyện (Cát Hải) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh cho các tỉnh phía Bắc. Việc đặt chọn vị trí Lạch Huyện làm nơi xây dựng cảng cửa ngõ, đầu mối cho khu vực phía Bắc là cơ hội lớn để phát triển kinh tế xã hội chung cho cả vùng duyên hải phía Bắc nước ta, vùng lân cận thủ đô Hà Nội và kết nối mật thiết kinh tế, ngoại thương với các tỉnh phía Nam Trung Quốc.
Bến Sáu kho xưa, Cảng Hải Phòng nay và cảng cửa ngõ Lạch Huyện trong tương lai là sự nối tiếp của một quy luật phát triển mà thiên nhiên dành cho Hải Phòng. Trong tương lai gần, cảng cửa ngõ Lạch Huyện được xây dựng trên vùng nước nằm giữa đảo Cát Hải, Cát Bà và Cái Dăm, trở thành vị trí trung tâm của vùng lãnh thổ giàu tiềm năng về mọi mặt nằm trong tam giác động lực kinh tế phía Bắc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Nơi đây có độ sâu lý tưởng và không bị khống chế về không gian và môi trường, có thể tiếp nhận tàu biển có trọng tải 100- 200 nghìn tấn vào làm hàng
Anh Tú