Cảnh báo tai nạn mùa mưa

Trong bối cảnh thời tiết miền Nam đang chuyển sang mùa mưa, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa đưa ra nhiều khuyến cáo về việc tăng cường đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường đang khai thác.

 

Mé nhánh cây xanh tại quận 3, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Mé nhánh cây xanh tại quận 3, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ

Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ nhận định, một đặc trưng mùa mưa bão tại TPHCM nói riêng và toàn miền Nam nói chung, đó là người dân cần đề phòng những cơn mưa chuyển mùa có khả năng đi kèm dông lốc, sấm sét và thậm chí mưa đá ở một vài nơi. Hiện tượng này xảy ra do hệ quả của đặc trưng nền nhiệt độ cao và khô hanh kéo dài trước đó.

Một trong những mối lo ngại hàng đầu của người tham gia giao thông tại các đô thị lớn trong mùa mưa bão, đó là nguy cơ cây xanh gãy đổ bất ngờ. Trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 130.000 cây xanh các loại trồng bên đường phố và sự cố cây xanh gãy đổ gây tai nạn, thậm chí làm chết người không phải không có trong các mùa mưa và xảy ra với tần suất ngày một nhiều hơn trong những năm gần đây. Các kỹ sư lâm nghiệp của Hiệp hội Cây xanh Việt Nam nhận xét, cây xanh gãy đổ nhiều không phải là bất thường mà là hệ quả tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, 2 nguyên nhân hàng đầu đến từ yếu tố biến đổi khí hậu và tác động của quá trình phát triển đô thị hóa.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, mưa dông, gió bão xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp hơn cũng như cường độ nguy hiểm hơn. Trong khi đó, tác động của đô thị hóa lên cây xanh đường phố lại có diện mạo khác. Sự xuất hiện nhiều tòa nhà cao tầng lắm khi cũng là nguyên nhân. Bởi chính các tòa cao tầng đã “buộc” gió phải luồn lách theo luồng bắt buộc, thay vì có thể trải đều nếu không bị che chắn và chính các luồng gió bất đắc dĩ đó lại tạo ra sức gió mạnh hơn ở đầu ra.

Một biểu hiện khác khá phổ biến từ quá trình đô thị hóa là việc phát triển, chỉnh trang vỉa hè hoặc các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị đã vô tình xâm hại cách này hay cách khác đến hệ thống cây xanh đường phố. Còn nhớ cách đây vài năm, trong quá trình thi công vỉa hè, đơn vị thi công đã đào quá sát gốc cây ở độ sâu 0,4m và chặt đứt rễ cây của 3 cây lim sét loại 2, có đường kính 20-50cm và độ cao từ 6-12m trên đường Trương Định, đoạn thuộc phường 7 quận 3. Theo giới chuyên môn, khi rễ cây bị xâm hại, độ bám của cây sẽ suy yếu, cũng như cây dễ bị sâu bệnh và hệ quả tiếp theo là cây dễ bị gãy đổ hơn. Biết rằng phát triển đô thị là tốt nhưng cũng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Đơn giản là vì chỉ có thể phát triển bền vững nếu hệ sinh thái không bị phá vỡ. 

Một trong những biện pháp để giữ gìn và duy trì ổn định hệ sinh thái đó là không đốn hạ hàng loạt cây xanh, còn khi cần đốn bỏ cây xanh vì phát triển đô thị thì phải đốn hạ từ từ, đồng thời đốn hạ phải đi liền trồng thay thế cây mới.

Trên thực tế, hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại, thông qua vai trò tạo ra cảnh quan thiên nhiên, tạo bộ mặt mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Sự hữu ích, cần thiết của mảng xanh đường phố là điều hiển nhiên; thế nhưng sẽ tốt hơn nếu có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè và tối ưu là đơn vị thi công và chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp với ngành cây xanh để không làm tổn hại đến cây xanh qua tình trạng bị chặt rễ, làm lệch tán, mé nhánh không đúng cách; đồng nghĩa bảo đảm độ sinh trưởng, bền chắc và tuổi thọ của cây xanh, kéo theo nguy cơ gãy đổ của cây xanh đường phố sẽ giảm thiểu đi rất nhiều.

Tin cùng chuyên mục