Mùa du lịch đang đến gần, phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một trong những địa điểm được đông đảo du khách lựa chọn để nghỉ dưỡng, tham quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại vùng biển này liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm khiến không ít du khách bất an.
Coi chừng ao xoáy
Chỉ trong tháng 3-2016, tại TP Vũng Tàu xảy ra liên tiếp hai trường hợp du khách tử vong và vài người nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì đuối nước.
Hệ thống cờ màu đen cảnh báo có ao xoáy tại khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu)
Cụ thể, chiều 14-3, một nhóm du khách gồm 10 người từ TP Hải Phòng đến TP Vũng Tàu thuê khách sạn, rồi ra tắm biển tại khu vực Bãi Sau. Trong lúc tắm, ông Sjogard Peter Larks Niklas (quốc tịch Thụy Điển), chị Nguyễn Thị Hà (29 tuổi, quê Hải Phòng) cùng anh Vũ Công Văn (25 tuổi) bị sóng biển đánh giạt ra xa, lọt vào vùng xoáy dẫn tới đuối nước khiến du khách người Thụy Điển tử vong trước khi đến bệnh viện, còn chị Nguyễn Thị Hà nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bốn ngày sau, bi kịch lại tiếp tục tái diễn. Nạn nhân là cặp vợ chồng (ông Bùi Đức Thọ, 49 tuổi và bà Lê Thị Duyên, 42 tuổi) từ miền Bắc vào thăm người thân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng nhau đến bãi Chí Linh (phường 10, TP Vũng Tàu) tắm biển. Do bơi quá xa, lại lọt vào đúng ao xoáy nên cả hai bị kiệt sức và có dấu hiệu đuối nước. Thấy vậy, người dân quanh vùng hô hoán nhau chạy thuyền ra cứu nhưng chỉ cứu được bà Duyên đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Còn ông Thọ đã chìm theo dòng nước. Người dân dùng lưới đánh cá vây quanh khu vực bị nạn mới vớt được thi thể nạn nhân.
Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trên địa bàn đã khiến lãnh đạo TP Vũng Tàu phải lên tiếng xin lỗi gia đình nạn nhân, thông qua buổi họp báo ngày 22-3. “Đây là sự việc rất đau xót, không ai mong muốn điều này xảy ra. Cho dù vì lý do nào đi nữa, đây cũng là điều hết sức đáng tiếc và lãnh đạo thành phố vẫn thấy có lỗi, trăn trở vì đã không thể đảm bảo hết công tác an toàn cho du khách khi tắm biển”, ông Trần Văn Phức, Chánh Văn phòng UBND TP Vũng Tàu, thay mặt chính quyền địa phương gửi lời xin lỗi và chia buồn sâu sắc tới thân quyến và gia đình của du khách không may tử vong, bị thương khi đến du lịch tại TP Vũng Tàu.
Bất chấp tính mạng
Theo số liệu của Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, năm 2015, lực lượng cứu hộ đã cứu vớt được 551 trường hợp lọt vào vùng (ao) nước xoáy và 18 trường hợp bị lật phao, phao trôi. Đáng tiếc, đã có 6 trường hợp tử vong liên quan tới tắm biển. Cụ thể, 1 cháu tắm biển không có người lớn trông coi và tắm cùng, 1 người đang tắm thì bị đột quỵ do bệnh tim, 1 người tuổi cao bị đuối sức và 2 trường hợp cố tình bơi ra xa, mặc sự khuyên can cảnh báo của cấp cứu viên.
Mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước, ông Phạm Khắc Tộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu, cho biết: Điều đầu tiên phải nói đến ý thức của du khách và người dân khi tắm biển.
Theo quy định và khuyến cáo thì chỉ nên tắm biển từ 6 giờ đến 18 giờ trong ngày, bởi thời gian này có nhiều người, hơn nữa trời sáng nên dễ quan sát thấy người bị nạn. Ngoài thời gian trên (trời tối), nếu tắm chẳng may bị nạn thì ít có cơ hội được cứu. Đơn cử như 2 trường hợp đuối nước vừa nêu trên đều tắm ngoài thời gian quy định và rất không may khi bị lọt vào ao xoáy. Thứ hai, du khách trước khi xuống biển thường hay nhậu nhẹt, có men bia rượu trong người; không tuân thủ hướng dẫn của cấp cứu viên, thậm chí coi thường tính mạng của chính mình khi đùa giỡn ở những bãi tắm đã có cắm cờ, biển cảnh báo có ao xoáy nguy hiểm. “Anh em cấp cứu viên có lần chia sẻ với tôi rằng, khách tắm không chịu nghe tín hiệu cảnh báo mà còn phản ứng lại. Họ nói biển không của riêng ai nên thích tắm ở đâu thì tắm, sao thổi còi ngăn cấm nhiều thế. Ấy vậy, nhưng nếu không cảnh báo, ngăn chặn thì khi xảy ra sự cố, chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Tộ phân trần.
Theo ông Tộ, ao xoáy là do sự dịch chuyển của dòng nước, mức độ và sự nguy hiểm của cạm bẫy này phụ thuộc vào từng mùa. Xuất hiện nhiều nhất vào mùa gió chướng (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau), có ao sâu tới 1,5m. Ao xoáy không ở vị trí cố định mà có thể dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác; chính vì vậy, trước tiên du khách cần tránh những vùng biển đã được cắm cờ màu đen (dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, có ao xoáy). Nếu bị lọt vào vùng xoáy, với người biết bơi cần bình tĩnh, thả lỏng người, giữ cho cơ thể nổi. Theo quán tính, người tắm biển sẽ bị đẩy ra rất xa bờ nhưng khi thoát khỏi dòng nước ấy, chỉ cần hít thở đều rồi bơi chậm vào bờ, sẽ an toàn tính mạng.
Tháng 4, mùa nắng nóng ở Đông Nam bộ, chúng tôi ghi nhận tại khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu) trong mấy ngày gần đây, đã 19 giờ tối nhưng vẫn có nhiều người ngồi nhậu dưới bãi biển. Sau đó, có người chạy xuống tắm biển bất chấp bạn bè can ngăn. Những trường hợp tử vong nêu trên có lẽ cũng là lời cảnh báo nguy cấp cho các du khách, nếu xem thường các ao xoáy ở bãi biển Vũng Tàu.
ĐỨC TRUNG - NÔNG NGÂN