Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

Thống kê sơ bộ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết, từ năm 2013 đến nay có hàng chục ngàn vụ lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao đã gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD. Các vụ lừa đảo này diễn ra ở nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu từ các tổ chức tại Đông Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông. 
Trước thực tế này, các chuyên gia kinh tế, luật sư công tác tại các trung tâm trọng tài thương mại đã lên tiếng cảnh báo doanh nghiệp nên tỉnh táo đề phòng, tránh trở thành miếng mồi béo bở của những đối tượng tội phạm công nghệ cao. 
Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao ảnh 1 Người tiêu dùng chọn mua hàng trên mạng Internet
 Sai dấu chấm, mất tiền tỷ

Anh N.T., giám đốc một doanh nghiệp chuyên về hàng thời trang, đồ gia dụng xuất nhập khẩu tại TPHCM, chia sẻ trong làm ăn kinh doanh sẽ gặp muôn vàn chiếc “bẫy” đáng sợ, rất khó lường. Câu chuyện của anh là một ví dụ chua xót. 

Cách đây 2 năm, N.T. có hợp tác làm ăn với một doanh nghiệp tại châu Phi. Sau khi trở thành khách hàng quen thuộc, cả hai đã trở nên quen thân đến mức khi tiếp nhận email của đối tác, anh chỉ đọc lướt qua vì tin tưởng. Chính sơ suất này đã bị bọn tội phạm công nghệ theo dõi sát, bằng cách hacked thông tin. Do vậy, toàn bộ thông tin giao dịch, ngày giờ, địa điểm, nội dung món hàng đều bị chặn và kiểm soát bởi tin tặc. Chính vì thế, chúng có thể đổi được nội dung thông tin trong email mà chủ nhân hoàn toàn không biết. “Lô hàng chuyển khoản nhầm sang tài khoản của đối tượng lừa đảo trị giá gần 1 tỷ đồng. Chúng tôi chỉ thực sự phát hiện sau khi giao hàng và làm chứng từ đòi tiền nhưng không có phản hồi, dù rằng đã gần 10 ngày trôi qua. Trao đổi trực tiếp với đối tác mới biết tài khoản của chúng tôi đã bị đánh tráo bởi một email tương tự, trong đó có nội dung công ty chúng tôi đổi tài khoản cũ sang tài khoản mới. Coi như mất tiền mua một bài học quá đắt”, anh N.T. nói.

Ông Nguyễn Thái Ân, phụ trách công nghệ thông tin Công ty T.D. (quận 12, TPHCM), cho biết hầu như tin tặc đều đeo bám những người chủ quan, đặc biệt là có thói quen làm việc không thay đổi trong thời gian dài. Trường hợp nêu trên là minh chứng. Tất nhiên, đối với các vụ việc này, nếu kiện cáo cũng tốn thời gian, mệt mỏi cho bản thân nên nhiều người đành bấm bụng cho qua.
 
Không như trường hợp anh N.T., bà Thu Hoa (chủ một công ty xây dựng tại quận Gò Vấp, TPHCM) may mắn hơn khi suýt mất trắng hàng tỷ đồng vì đã kịp thời phát hiện sai sót, kiểm tra kỹ lại thông tin từ đối tác trước khi xác nhận chuyển tiền. “Một email gần giống email của đối tác, chỉ khác nhau dấu chấm. Do cẩn trọng nên tôi gọi điện thắc mắc vì thấy công ty đối tác đổi tài khoản mới, đề nghị chuyển 20.000USD. Rất may, chúng tôi được họ xác nhận hoàn toàn không có chuyện thay đổi này”, bà Thu Hoa chia sẻ. 

Ông Nguyễn Thái Ân cho rằng, điều tối kỵ trong làm ăn là thay đổi địa chỉ email, số tài khoản…, nhất là những đối tác làm ăn lâu dài. Theo đó, nếu thấy nghi ngờ nên ngừng chuyển tiền ngay và cần xác minh lại phía bạn hàng để đối chiếu, so sánh thông tin. Chỉ vì lỗi chủ quan ngớ ngẩn dẫn đến mất hàng tỷ đồng quả thực rất đáng tiếc. 

Tìm hiểu kỹ đối tác

Nước ta đã và đang có mối quan hệ hợp tác kinh tế với hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, các rủi ro kinh doanh mang tính toàn cầu là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp phải làm thế nào để chủ động bảo vệ mình trước những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. 

Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Viac), chỉ ra rằng một trong những rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam mắc phải là các điều khoản trong hợp đồng không chặt chẽ; nguồn thông tin về thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp khá chủ quan, mơ hồ, không điều tra cặn kẽ. 

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu bổ sung, doanh nghiệp Việt Nam nên có đội ngũ tư vấn am hiểu pháp luật, nhất là tham khảo ý kiến chuyên môn từ những luật sư làm việc tại các trung tâm trọng tài thương mại uy tín. Qua đó, góp phần giảm thiểu những rủi ro không đáng có, gia tăng nội lực cho doanh nghiệp hội nhập môi trường cạnh tranh toàn cầu. 

Bà Nguyễn Phương Mai (chủ doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu hàng đặc sản Việt Nam sang các nước châu Âu) khuyến cáo, các doanh nghiệp phải sàng lọc bạn hàng, tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch. Điều này cũng được chính những chuyên gia kinh tế, luật sư tại các trung tâm trọng tài thương mại cảnh báo. Chẳng hạn, nên kết nối thông tin với các hiệp hội doanh nghiệp; tìm hiểu đối tác qua bạn hàng, đại diện cơ quan ngoại giao, kinh doanh (thương vụ, hoặc sứ quán) của Việt Nam ở nước ngoài… Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận vài năm trở lại đây, doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang phương thức chuyển tiền, thanh toán trực tiếp, nhưng lại ít quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa đi kèm (thay vì thanh toán qua ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng), đã khiến doanh nghiệp trở thành “miếng mồi ngon” cho bọn tội phạm công nghệ cao. Điển hình nhất là các vụ tạo tài khoản, email giả mạo… Thêm nữa, khi thấy các yếu tố giá cả quá chênh lệch, tạo nên món hời béo bở so với thị trường thì doanh nghiệp cũng nên xem xét cảnh giác.

Tin cùng chuyên mục