Wifi công cộng không còn xa lạ, thậm chí một quán cà phê bình dân cũng treo biển “Wifi Free” để thu hút người vào quán. Điều này phản ánh sự cần thiết của Internet trong đời sống cũng như sự đa dạng các thiết bị kết nối không dây. Tuy nhiên, tại các điểm truy cập Wifi miễn phí, rất ít người dùng cảnh giác trước nguy cơ mình có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân và lộ nhiều thông tin khác…
Nhiều cách ăn cắp thông tin
Thực tế rất nhiều người phải nhắn tin bằng điện thoại di động đến toàn bộ người quen thông báo rằng “nick hay acc của mình bị hack” và còn “la làng” nhiều thông tin quan trọng đã bị mất mà không biết mình bị mất nick, acc hay mất dữ liệu ở nơi nào. Trong khi đó, một cảnh báo của công ty chuyên về bảo mật không dây AirDefense cho biết, các hiểm họa lừa đảo tài chính (phishing scam) đang rình rập tại nhiều điểm truy cập mạng không dây Wifi công cộng như ở sân bay, siêu thị, cà phê Wi-Fi, khách sạn, nhà ga…
Thực tế tội phạm mạng thường thiết lập ra nhiều trang web giả danh các trang web đăng nhập dịch vụ của các nhà cung cấp Wifi chính hiệu, có khả năng lừa người dùng log-in vào các trang web độc này để ăn cắp các thông tin nhạy cảm và sau đó sẽ tung vào máy tính người dùng khoảng 45 loại virus độc khác nhau. AirDefense nhận định rằng người dùng mạng không dây tại các trạm hotspot ở siêu thị, quán cà phê, khách sạn, sân bay… hầu như chẳng biết gì về hiểm họa mà các hacker Wifi “dạo” có thể gây ra.
Còn hãng bảo mật Symantec cảnh báo: “Nếu ai đó có thể xâm nhập vào đường kết nối dữ liệu của bạn thì hắn có thể đọc được bất kỳ thông tin nào bạn gửi ra, dù là thông tin trong email hoặc tên và mật khẩu của bạn”. Tội phạm mạng có thể chiếm tín hiệu sóng không dây của một hotspot với một tên mạng “giả mạo” hợp lệ của riêng chúng và sau đó thay thế trang đăng nhập bằng một trang khác tương tự như thế.
Do đó người dùng sẽ bị lừa phỉnh cung cấp thông tin cho mạng “nhân bản” giả mạo này thay vì cho nhà cung cấp điểm hotspot. Khi người dùng đã ở trong điểm hotspot giả mạo thì nhiều nguy cơ người dùng sẽ bị chuyển hướng tới các website lừa đảo cũng như những website có virus, hoặc thậm chí bạn sẽ bị lừa để tạo một tài khoản mới và cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc những thông tin cá nhân quan trọng khác.
55% thiết bị di động không “tự bảo vệ”
Hầu hết dữ liệu lưu trữ trên các thiết bị di động có thể dễ dàng rơi vào tay tội phạm mạng, đó là kết luận đáng báo động được đưa ra bởi các chuyên gia Kaspersky Lab. Hãng bảo mật này đã tiến hành khảo sát gần 9.000 người sử dụng các thiết bị kết nối không dây.
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy có 70% số người sử dụng máy tính bảng và 35% số người sử dụng điện thoại di động sử dụng mạng Wifi công cộng để truy cập Internet. Đây là cách phổ biến nhất để có thể truy cập vào Internet, được dùng cùng với các mạng di động. Có 58% những người tham gia khảo sát truy cập Internet theo cách này để truyền tải dữ liệu.
Tuy nhiên, nhiều người sử dụng không biết sự nguy hiểm của các mạng WFi miễn phí, đặc biệt là việc chuyển dữ liệu qua các đường link có thể dễ dàng bị tội phạm mạng chặn lại, bao gồm cả việc đăng nhập vào hệ thống ngân hàng trực tuyến. Việc tội phạm mạng ngăn chặn các dữ liệu tài chính được xem là mối lo ngại lớn nhất của hơn 60% người sử dụng.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng có khoảng một nửa các máy tính bảng và một phần tư các điện thoại di động hoặc Smartphone có cài đặt các biện pháp bảo mật (chiếm 28% tổng số các máy tham gia khảo sát). Có 82% người sử dụng cài đặt các phần mềm chống virus cho máy tính để bàn và laptop của mình.
Trong khi đó, hiện tại trên thị trường có rất nhiều ứng dụng bảo vệ cho các thiết bị di động nhưng ít ai quan tâm, nhất là trên Smartphone và máy tính bảng, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng mất an toàn khi truy cập Wifi Free.
| |
Bá Tân