Tại vùng Đông Nam bộ, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Người dân sống ở hai bên bờ sông Đồng Nai đang mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn và tình trạng bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai và Bình Dương không kiểm soát được tình hình.
Lộng hành
Tại huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), người dân địa phương cho biết, đêm nào cũng thấy 3, 4 vòi hút cát từ giữa sông Đồng Nai chĩa vào bờ. Nếu không có lực lượng chức năng tuần tra, truy quét, việc khai thác cát “lậu” diễn ra cả đêm. Một đêm, mỗi máy hút cát có thể hút đầy khoảng 3 - 4 ghe (mỗi ghe có trọng tải từ 10 đến 15m³ - PV). Với giá bán vài trăm ngàn/m³ cát, các đầu nậu thu lãi cả chục triệu đồng/đêm. Kiếm tiền dễ dàng, nên các chủ ghe đầu tư phương tiện hành nghề công suất lớn, thuê cả những người làm nghề câu cá, giăng lưới trên sông báo động khi có lực lượng chức năng tuần tra. Đặc biệt, các đối tượng “cát tặc” sẵn sàng đánh trả khi bị truy đuổi.
Một bãi cát ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa (Đồng Nai).
Người dân xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cho hay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn đã kéo dài từ nhiều năm và vẫn đang diễn biến phức tạp, dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã. Ông Trương Đức Nghiệp, ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên) nói: “Việc hút cát lậu diễn ra hàng chục năm, đêm nào tiếng máy nổ chát chúa cũng vang lên từ các ghe trên sông khiến người già, con nít không ngủ được yên. Đất sản xuất nông nghiệp của bà con dọc bờ sông bị lở rất nhiều. Người dân chỉ biết phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng sự việc cứ rơi vào im lặng”.
Để rõ hơn về việc “giao thương” trong vùng, trong vai người đi mua cát về xây dựng biệt thự, chúng tôi tiếp cận với một chủ bãi cát ở xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Ông T.N.T., chủ vựa cho biết, nếu mua về san lấp mặt bằng thì chỉ cần cát “mịn” từ miền Tây, còn để xây nhà kiên cố, hay thi công biệt thự cần dùng đến cát “già” hút ở sông Đồng Nai. Chỉ cần đặt tiền cọc trước, muốn mua bao nhiêu cũng có.
Theo nhiều nhà thầu xây dựng, cát trên sông Đồng Nai thuộc dạng “chất lượng cao” nhờ hạt to, đều và có màu vàng óng, thường dùng để trộn bê tông, xây nhà cao tầng, kiên cố. Loại cát này được bán tại bãi với giá 350.000 đồng/m³. Do khan hiếm, các “đầu nậu” thường trộn loại cát này với cát lấy từ vùng Tây Nam bộ và bán với giá xấp xỉ 300.000 đồng/m³.
Chính quyền có buông lỏng?
Làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi thực sự khó hiểu khi hiện tượng khai thác cát trái phép diễn ra đều đặn, công khai và bán công khai tại các địa phương thuộc hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, song việc phát hiện và xử lý rất ít. Tại thị xã Tân Uyên, trong cả năm 2014, chỉ phát hiện được 6 trường hợp hút cát trộm trên sông Đồng Nai. Trong đó, công an thị xã chỉ bắt giữ được 1 ghe, còn các ghe khác đều bị các đối tượng tự nhấn chìm và… chẳng bắt được ai. Dư luận có quyền nghi ngờ về tình hình khai thác và mua bán cát “lậu”, khi có không ít người nhà của lãnh đạo thị xã Tân Uyên đang kinh doanh vật liệu xây dựng, cụ thể là cát sỏi.
Nhận xét về vấn đề trên, ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, khẳng định, việc xử lý tình hình khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai (thuộc địa bàn thị xã quản lý) đang được làm tốt và không cần phải chấn chỉnh gì trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là thị xã chỉ tăng cường tần suất kiểm tra, kiểm soát. Chính quyền các xã đã thông báo cho người dân sống ven sông Đồng Nai, nếu phát hiện các đối tượng khai thác trộm cát thì thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý. Ông Đoàn Hồng Tươi cũng cho rằng, Nhà nước giao cho mình chức năng đến đâu thì mình làm đến đó, địa bàn thuộc địa phương nào thì các cơ quan chức năng ở đó quản lý.
Trái ngược với ý kiến trên, người dân sống ven sông Đồng Nai cho biết, các đối tượng khai thác cát “lậu” không chỉ liều lĩnh, manh động mà còn công khai nói rằng, có các “quan” đứng đằng sau “bảo kê”.
Còn ở Đồng Nai, trong cả năm 2014, tỉnh phát hiện và xử lý 104 trường hợp khai thác cát trái phép và 80 trường hợp khai thác đất san lấp không phép. Tất cả những trường hợp trên chỉ bị xử phạt hành chính, với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Không có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai lý giải về việc này: “Chỉ công an mới có đủ lực để xử lý các đối tượng khai thác cát “lậu”. Còn việc xử lý hình sự chỉ khi nào hành vi khai thác khoáng sản gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc khai thác cát trộm có thể nhiều năm sau mới xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, nên khi bắt được các đối tượng cũng không đủ cơ sở để xử lý hình sự”.
Với những giải thích của lãnh đạo địa phương, ngành chức năng của tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, thì việc ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép còn quá nhiều khó khăn. Các tỉnh có cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy Đảng, chính quyền và các đơn vị như mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, dân vận… lẽ nào phải chịu “bó tay” với nạn khai thác cát lậu? Phải chăng đằng sau hoạt động này có lợi ích cục bộ? Để giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát trái phép tồn tại đã hàng chục năm qua, chính quyền các cấp ở hai tỉnh này phải dẹp hết được các bãi cát kinh doanh không phép, để những khối lượng cát bơm, hút lậu không có chỗ tiêu thụ… Có như vậy, người dân sống ven sông Đồng Nai tại khu vực Đông Nam bộ mới có cuộc sống bình yên, hết thấp thỏm, âu lo.
| |
ĐỨC TRUNG - THÙY LINH