Cấp bách chống hạn và xâm nhập mặn

Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này nông dân các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận… đã xuống giống được 58.198ha/63.000ha lúa vụ mùa nhưng những ngày qua do mùa mưa dứt sớm, trong khi nắng nóng kéo dài, cộng với xâm nhập mặn đã khiến hàng loạt diện tích lúa bị khô héo, gây nhiều thiệt hại.

Tính đến nay đã có khoảng 25.000ha lúa mùa bị nhiễm mặn, trong đó diện tích mất trắng gần 16.000ha, cao nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, có hơn 27.000ha lúa mùa bị nhiễm sâu bệnh như đạo ôn lá, lem lép hạt, rầy nâu, sâu cuốn lá… Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kiên Giang vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 36,3 tỷ đồng để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2015-2016. Theo đó, tỉnh sẽ nạo vét nhiều kênh thủy lợi để trữ nước ngọt; nâng cấp các cống ngăn mặn, giữ ngọt; mua máy bơm, nhiên liệu để chống hạn và xâm nhập mặn, giải quyết nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo. 

Tại Hậu Giang, tình hình chống hạn và xâm nhập mặn cũng đang triển khai ở các huyện, thị. Dự kiến sẽ dành nguồn kinh phí khoảng 82 tỷ đồng để nạo vét các kênh cấp 2, cấp 3; kênh thủy lợi nội đồng bị bồi lắng; sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn… Theo dự báo, Hậu Giang có khoảng 40.000 - 50.000ha lúa đông xuân và hè thu bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện mực nước ở các kênh nội đồng xuống thấp; nguy cơ sẽ thiếu nước trầm trọng trong vụ đông xuân gieo sạ hơn 200.000ha và vụ hè thu với 186.000ha, cùng nhiều diện tích rau màu… Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng, nhằm triển khai cấp bách các biện pháp chống hạn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2016.

NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục