Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Câu chuyện mùa đông năm 1923 ở Mátxcơva

Câu chuyện mùa đông năm 1923 ở Mátxcơva

Cuối tháng 11-2006, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga V.Putin đã thay mặt Nhà nước Liên bang Nga trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tập tài liệu và ảnh về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô giai đoạn 1923-1924 và 1934-1938, trước đó được lưu giữ tại Lưu trữ lịch sử chính trị - xã hội Quốc gia Nga (ngày 30-11-2006 Văn phòng Chủ tịch nước đã bàn giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh). Trong số này có bản sao bài báo của nhà thơ Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam viết về buổi gặp gỡ với người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc đăng trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Ogonek) số 39 ra tháng 12-1923. Thời gian này Người đang dự Hội nghị Quốc tế nông dân ở Mátxcơva, còn Osip Emilyevich Mandelstam là phóng viên tạp chí Ogonek.

Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva năm 1923 (trái) và năm 1924 (phải).

Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva năm 1923 (trái) và năm 1924 (phải).

Câu chuyện về việc phát hiện bài báo cũng khá bất ngờ. Trong quá trình tìm kiếm thông tin về bài báo, chúng tôi đã nhờ các bạn đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói nước Nga hỗ trợ. Các đồng nghiệp đã chuyển cho chúng tôi một trang web nói về việc phát hiện bài báo này. Cuộc đời Osip Emilyevich Mandelstam đầy sóng gió nên những tư liệu về ông cũng hiếm hoi. Tháng 11-1933 ông viết bài thơ: Ta sống đây mà không cảm thấy đất nước mình... chỉ trích một lãnh đạo Xô Viết nên bị bắt vào trại cải tạo ở Voronezh. Tháng 5-1937 ông được ra trại Voronezh nhưng năm sau lại bị bắt đi cải tạo ở vùng Viễn Đông. Mandelstam mất ngày 27-12-1938 trong trại cải tạo ở Vladivostok. Theo trang web http://nature.baikal.ru, sau khi Mandelstam mất, một người bạn gái của ông là Natalia Evghenevna Shtempela đã lưu giữ những tác phẩm và tài liệu của ông. Một nhà nghiên cứu sau đó đã tìm thấy bài báo của ông về Nguyễn Ái Quốc và công bố. Nhờ bài báo này, các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu khẳng định Bác Hồ đã đến nước Nga Xô Viết vào năm 1923.

Bài báo mang tựa đề: Nguyễn Ái Quốc - Chuyến viếng thăm một người cộng sản. Chúng tôi xin trích giới thiệu bài báo về buổi trò chuyện giữa nhà thơ - nhà báo Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam và người thanh niên Việt Nam Nguyễn Ái Quốc vào mùa đông năm 1923 ở Mátxcơva: 

Nhà báo, nhà thơ Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam.

Nhà báo, nhà thơ Xô Viết Osip Emilyevich Mandelstam.

“– Phong trào bất bạo động của Gandhi có ảnh hưởng đến Đông Dương không? Có làn sóng, tiếng vang nào lan đến không? Tôi hỏi Nguyễn Ái Quốc.

– Không - người trò chuyện cùng tôi trả lời - người nông dân An Nam đang sống trong đêm tối của địa ngục, không có báo chí, không biết về những gì đang xảy ra trên thế giới. Chỉ có đêm, đêm sâu thẳm mà thôi.

Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam duy nhất ở Mátxcơva - đại diện của một chủng tộc Mã Lai cổ (theo hiểu biết của người châu Âu lúc bấy giờ - ND). Anh ấy nhỏ nhắn, mỏng mảnh nhưng rất linh hoạt trong chiếc áo khoác len. Nói bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ của kẻ đi áp bức, nhưng những âm thanh được phát ra vẫn mang âm hưởng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Nguyễn Ái Quốc phát âm từ “nền văn minh” một cách ghê tởm; anh đã đi hầu hết thế giới thuộc địa, đã từng ở Bắc và Trung Phi và quan sát đủ mọi ngóc ngách. Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh thường dùng từ “anh em”. Anh em - đó là người da đen, người Ấn Độ, Syria, Trung Quốc. Anh đã viết thư cho Rene Maran, người da đen quốc tịch Pháp, tác giả của tác phẩm Batuala và đặt câu hỏi thẳng thắn: Maran muốn hay không muốn giúp đỡ sự nghiệp giải phóng của những người anh em các nước thuộc địa. Rene Maran được Viện Hàn lâm Pháp quàng cho vòng hoa danh dự, đã trả lời một cách thận trọng và lảng tránh.

– Tôi lớn lên trong một gia đình nhà Nho ở An Nam. Ở đó, thanh niên nghiên cứu Khổng giáo. Anh biết rồi đó, Khổng giáo không phải là một tôn giáo mà là một khoa học về những kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử. Và trên cơ sở đó, người ta đưa ra khái niệm “thế giới đại đồng”. Khi là một cậu bé ở tuổi 13, tôi lần đầu tiên đã nghe đến những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái và tình anh em - đối với chúng tôi tất cả người da trắng đều là người Pháp.

Tôi muốn tìm hiểu nền văn minh của Pháp để biết xem cái gì ẩn đằng sau những từ ấy. Nhưng ở các trường Pháp dành cho người bản xứ, người Pháp dạy như dạy con vẹt. Người ta ngăn cấm chúng tôi tiếp xúc với sách báo, không chỉ là những nhà văn mới mà ngay cả Rousseau và Montesquieu. Tôi đã làm gì? Tôi quyết định đi ra nước ngoài. Người An Nam bị xem là nông nô. Chúng tôi không chỉ bị cấm du lịch, mà còn bị cấm đi lại trong nước. Đường sắt được xây dựng cho các mục đích chiến lược riêng: trong con mắt người Pháp, chúng tôi chưa đủ trình độ để sử dụng những tuyến đường này. Tôi đã ra đi bằng đường biển. Lúc đó tôi 19 tuổi. Ở Pháp, các cuộc bầu cử đang diễn ra. Giới tư sản đang lừa phỉnh nhau.

Gương mặt Nguyễn Ái Quốc nhăn lại một cách khinh bỉ. Đôi mắt nặng nề, u ám bỗng bừng lên. Trong đôi mắt mở to, ứa lệ, anh nhìn về xa xăm:

– Khi người Pháp đến, tất cả các gia đình gia giáo đều bỏ chạy, chỉ còn lại những người nịnh bợ, làm việc cho Pháp, chiếm hết nhà cửa đất đai, trở nên giàu có và giờ họ trở thành giai cấp tư sản mới, nuôi dạy con cái theo phong cách Pháp… Bọn cố đạo ở nước tôi chiếm tới 1/5 tổng số ruộng đất cả nước. Chỉ có những chủ đồn điền mới so sánh được với họ.
...

– Người Pháp đầu độc người dân chúng tôi. Họ bắt dân chúng tôi uống rượu. Chúng tôi có phong tục dùng gạo ngon nấu loại rượu hảo hạng để khi có khách đến thăm hoặc cúng tổ tiên trong các lễ giỗ gia đình. Bọn Pháp dùng gạo chất lượng thấp sản xuất hàng loạt rượu và bắt chúng tôi mua. Không một ai muốn mua rượu của chúng. Vì vậy các ông toàn quyền Pháp tính theo đầu người rồi bắt các quan chức phong kiến địa phương ép dân mua thứ rượu mà không ai muốn.

Tôi đã hình dung ra được một cách rất cụ thể bọn thực dân đang dùng rượu đầu độc như thế nào dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Ở Nguyễn Ái Quốc tỏa ra sự giản dị, lịch thiệp và tinh tế bẩm sinh. Nền văn minh châu Âu (lúc bấy giờ - ND) dựa trên lưỡi lê và rượu, núp dưới lớp áo thầy tu. Còn Nguyễn Ái Quốc hít thở văn hóa không phải của châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai.

– Bây giờ ở Paris, các đồng chí đến từ các thuộc địa của Pháp như An Nam, Sudan, Madagascar, Haiti đang xuất bản tờ báo Người cùng khổ, dành riêng cho cuộc đấu tranh chống chính sách thực dân Pháp. Đây là một tạp chí rất nhỏ, mỗi cộng tác viên phải tự trả tiền cho mỗi bài báo của chính mình thay vì nhận tiền nhuận bút.

Cây gậy tre với lời hiệu triệu khắc trên thân đã bí mật đến khắp các làng mạc. Nhưng người An Nam đã phải trả giá đắt, đã có những án tử hình và hàng trăm người bị mất đầu.

– Ở An Nam không có linh mục và tôn giáo theo nghĩa của châu Âu. Chỉ có sự tôn kính tổ tiên - một hiện tượng hoàn toàn xã hội. Không có linh mục, thành viên cao tuổi trong gia đình hay các trưởng làng thực hiện các nghi thức cúng lễ. Chúng tôi không biết gì về linh mục, mục sư.

– Vâng rất thú vị rằng chính quyền Pháp đã dạy cho người nông dân chúng tôi những từ như Bolsevic và Lenin. Họ bức hại và buộc tội những người cộng sản trong số nông dân An Nam trong khi vào thời điểm đó chúng tôi chưa có ai là người cộng sản. Và cứ như thế họ tuyên truyền về cộng sản.

An Nam là một dân tộc bình dị và vĩ đại. Qua phong thái thanh cao, giọng nói trầm ấm của anh, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương.

Bản thảo nằm trên bàn. Thái độ bình tĩnh và cần mẫn. Phong cách của một phóng viên. Anh mơ ước về Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1947. Anh như nhìn thấy nghe thấy diễn biến đại hội, nơi mình tham dự chương trình nghị sự.

Khi chia tay, Nguyễn Ái Quốc nhớ ra:

– Vâng chúng tôi có một cuộc nổi dậy nữa. Ông vua nhỏ Việt Nam tên Duy Tân đã lãnh đạo cuộc nổi dậy đó nhằm phản đối việc bắt người nông dân đi lính cho Pháp. Ông đã chạy trốn và hiện đang bị lưu đày. Hãy kể về ông ấy”.

Việt Khoa

Tin cùng chuyên mục