Câu chuyện văn hóa: Ảnh đẹp cũng cần tinh tế

Nhu cầu ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống đã trở nên phổ biến với người trẻ hiện nay tại TPHCM. Thế nhưng, một tà áo mới, một tấm hình đẹp… liệu có đủ, khi cái thú chụp ảnh đòi hỏi người ta không chỉ biết diễn trước ống kính, mà còn phải biết cách ứng xử khi chụp ảnh ở nơi công cộng, không gian văn hóa tôn nghiêm, tâm linh.

Đẹp và bất chấp

Bắt trend (trào lưu) mùa tết, từ vài tháng trước, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch chụp hình và sắm sửa quần áo, trang sức, phụ kiện cầm tay… cùng ê kíp với máy ảnh, đèn phản quang chuyên nghiệp để có những bức hình thật lung linh, chia sẻ lên trang cá nhân trong những ngày cận kề năm mới. Điểm chụp hình thu hút bạn trẻ dịp cuối năm có nhiều, nhưng trong đó có thể kể đến một không gian đặc biệt là các chùa, đền, hay hội quán… Theo nhiều tay máy, những không gian tín ngưỡng tâm linh này rất phù hợp khi người chụp diện áo dài, cùng với đó là ý nghĩa may mắn, cầu một năm mới bình an, sung túc.

e6a-1715.jpg
Các bạn trẻ tạo dáng chụp hình ở một hội quán tại quận 5, TPHCM. Ảnh: THANH TRÚC

Dạo một vòng các hội quán của cộng đồng người Hoa tại khu vực Chợ Lớn (quận 5), không khó để bắt gặp những bạn trẻ xúng xính áo dài rực rỡ, tạo đủ kiểu dáng đứng ngồi và canh góc chụp đẹp để cho ra những bức ảnh ưng ý. Nhưng điều đáng nói là việc tạo hình này đã gây không ít phiền phức cho người đi lễ. Thậm chí, có người còn ngồi thật lâu ngay lối đi chính để tạo dáng, bất chấp nhiều người phải đứng chờ để vào điện thờ. Bên cạnh đó, có người còn chuẩn bị gần cả chục bộ trang phục để thay đổi, ê kíp đi cùng có thêm 2- 3 người để hỗ trợ, không gian thờ tự bỗng chốc bớt đi tính trang nghiêm.

Trước hết cần ý thức

Trước thực trạng trên, một số hội quán đã phải hạn chế không gian cho phép chụp ảnh và đối tượng chụp. Cụ thể, tại hội quán Tuệ Thành (đường Nguyễn Trãi, quận 5) đã treo bảng hướng dẫn các khu vực được và không được chụp ảnh. Tương tự, tại hội quán Nghĩa An (đường Nguyễn Trãi, quận 5) cũng chỉ cho phép người chụp ở không gian sân rộng phía trước hội quán, có bảng cấm đặt tại lối ra của miếu. Ngoài ra, ở một số địa điểm khác như hội quán Ôn Lăng (đường Lão Tử, quận 5), hay hội quán Hà Chương (đường Nguyễn Trãi, quận 5), dù không cấm triệt để nhưng đều có người bảo vệ hạn chế lượng người chụp ảnh đến quá đông, chỉ cho phép sử dụng điện thoại để chụp ảnh.

Anh Trương Ngọc Minh (31 tuổi, thợ chụp ảnh ngoại cảnh, ngụ quận 10) cho biết: “Đa số các bạn trẻ lựa chọn các hội quán vì phong cách kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa, từng bức tường, bộ tượng tứ linh, tượng thờ… đều được điêu khắc tỉ mỉ, công phu. Cùng với đó là khuôn viên các hội quán được trưng bày nhiều cây cảnh, hòn non bộ, tạo ra không gian cổ kính, yên tĩnh ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp”.

Ở một khía cạnh khác, hoạt động chụp ảnh tại các không gian văn hóa và chia sẻ trên nền tảng số cũng là một cách quảng bá nét đẹp của quê hương, xứ sở ra bên ngoài và gìn giữ nét đặc sắc của các công trình kiến trúc cổ cùng giá trị văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, muốn hay, muốn đẹp trước hết cần một ý thức ứng xử thật tinh tế. Công Bảo (22 tuổi, ngụ quận 1) chia sẻ: “Năm nào, tôi cũng đến các hội quán để chụp hình, mỗi lúc như thế, tôi sẽ kể cho các bạn trong nhóm của mình nghe về văn hóa, kiến trúc và nét đặc trưng của từng hội quán. Và dù làm gì, thì khi đến các không gian này, tôi cùng các bạn cũng cố gắng giữ ý tứ, tránh ồn ào, xô bồ thái quá”.

Hay với Võ Ngọc Hà (23 tuổi, ngụ quận 6) dẫu là người mẫu ảnh cho các cửa hàng thời trang, nhưng cô luôn tâm niệm: “Tôi thấy chuyện đi chụp hình là quyền của mỗi người, nhưng mà phải biết lựa địa điểm cho phù hợp. Khi đến nơi tôn nghiêm thì phải xem nội quy ở đó rồi mới chụp, nếu bị yêu cầu dừng thì phải dừng lại chứ không lén lút rồi khi bị nhắc nhở lại khó chịu với ban quản lý”.

Tin cùng chuyên mục