Sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) vào ngày 20-3-2016 đã khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch. Chậm ngày thông tuyến đường sắt, thiệt hại sẽ càng nhiều, nên ngành đường sắt quyết tâm thi công trong vòng 2 tháng để hoàn thành trước ngày 30-6-2016. Chỉ 3 tháng cho một công trình lớn, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của hàng trăm công nhân.
Các công nhân thi công cầu Ghềnh dưới điều kiện thời tiết thất thường
Thi công dưới thời tiết khắc nghiệt
Để kịp hoàn thành tiến độ, cầu Ghềnh mới được chia ra làm 2 công trường. Một công trường thi công dầm tại vị trí cầu Ghềnh bị sập và một công trường lắp ráp nhịp trên bờ. Tại nơi lắp nhịp nằm sát mé sông Đồng Nai cách cầu Ghềnh chừng vài trăm mét đã trở thành đại công trường, với hàng trăm công nhân đang thi công, đã lộ rõ các nhịp cầu. Mỗi người mỗi việc, người gắn ốc, người sơn thanh sắt, người lắp đường ray…
Cầu Ghềnh mới có 3 nhịp, để có thể hoàn thành tiến độ, phải có đến 3 đơn vị thi công, nhịp 1 và 2 được lắp ở Huế và Đà Nẵng, còn nhịp 3 được lắp ở Bình Dương. Chỉ đơn vị ở Bình Dương không phải vất vả di chuyển xa, còn 2 đơn vị ở Huế và Đà Nẵng phải chuyển những thanh sắt lắp nhịp từ miền Trung vào, công nhân cũng phải đi theo. Với chiếc khăn quấn kín mít khuôn mặt, mồ hôi chảy đầm đìa ướt cả áo, anh Nguyễn Văn Tuấn (đơn vị ở Huế) chia sẻ: “Thi công lắp nhịp phải là những công nhân có tay nghề cao, nên công trường ở đâu thì công nhân phải đi theo. Trước khi đưa nhịp cầu vào Đồng Nai, đơn vị đã phải lắp thành sản phẩm xem có được không, rồi lại tháo ra thành những thanh sắt để vận chuyển vào”. Có rất nhiều người phải xa nhà theo công trình. Anh Trần Thanh Trung (ở Đà Nẵng) vừa sơn lại thanh sắt vừa kể: “Cứ thấy có đủ sức khỏe là tụi tôi xin tăng ca. Tổ trưởng sẽ sắp xếp công việc cho phù hợp. Cố gắng tập trung làm cho kịp thông cầu để còn về nhà”.
Tại nơi thi công dầm, có người thi công đứng trên mặt nước, có người đứng trên sợi dây lủng lẳng trên dầm. Có đến tận nơi mới thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn và nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc ở công trường như thế nào. Thật xúc động khi thấy các công nhân tập trung cao độ với công việc. Từ miền Trung vào, anh Võ Văn Sáu (quê Quảng Bình) nói: “Ở đây diện tích mặt bằng thi công chỉ là con đường mòn nhỏ, rất hẹp, mà làm dầm sát bờ rất khó khăn. Mọi người ở đây phải khéo léo, kiên trì, chứ không thể làm cẩu thả. Cái khó nhất là đổ dầm, nay đã xong khâu này thì kể như sắp hoàn thành”.
Làm công việc ở giữa dòng nước, công nhân Đỗ Minh Tuấn, từ Huế vào thi công, chia sẻ: “Thi công dưới nước rất khó khăn, ở sông lớn càng khó gấp bội, phải cẩn trọng theo dõi dòng nước, thủy triều. Với công trình bình thường, cũng phải tốn nhiều thời gian theo dõi; với công trình này, phải quan sát mực nước tới đâu mới có thể tranh thủ thi công tới đó. Ban ngày, ban đêm đều khác nhau và thay đổi theo từng ngày. Có mưa lại càng khác hơn nữa. Nay trụ giữa đã xong rồi thì tiến độ sẽ đúng như dự kiến”.
Huy động hàng trăm công nhân
Khi chúng tôi đến công trường, thời tiết hơn 350C; nắng oi ả nhưng ai nấy cũng đều mê mải với công việc. Qua đầu giờ chiều, mây đen cả bầu trời, mưa lớn. Các công nhân phải dừng ngay những việc nguy hiểm dưới mưa để chuyển sang làm việc nhẹ hơn. Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3, cho biết: “Để đảm bảo tiến độ, công trình thi công 24/24 giờ, khi nhân lực thiếu, phải lập tức luân chuyển công nhân từ công trình khác qua để hỗ trợ. Công trình đường sắt đòi hỏi phải có thợ chuyên nghiệp thi công, không thể sử dụng công nhân mới vào làm. Nhằm đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho công nhân, công ty thuê chỗ ở gần công trường và có người nấu ăn riêng. Khi mưa không quá lớn, các công nhân vẫn phải mặc áo mưa làm những công việc vận chuyển nhẹ nhàng, nhằm đảm bảo an toàn và kịp tiến độ”.
Ban Quản lý dự án đường sắt Khu vực 3 (chủ đầu tư) cho biết, công trường có Ban chỉ đạo và tổ quản lý xây dựng thường xuyên có mặt tại hiện trường để điều hành sự phối hợp giữa các đơn vị trong suốt quá trình thi công, cũng như liên hệ với các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành và của địa phương giải quyết các vướng mắc để công trình thi công được thuận lợi. Ông Nguyễn Vũ Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho biết: “Để thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cũng như an toàn lao động, công trình huy động những đơn vị tham gia thi công có uy tín, kinh nghiệm trong thi công công trình giao thông đường sắt. Số nhân lực được huy động thường xuyên có mặt tại dầm đến 210 người, nhịp cầu ở Huế 50 người, Đà Nẵng 50 người và Bình Dương 40 người. Công trình phải đảm bảo theo đúng hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và các đơn vị thi công mới được nghiệm thu, nếu chất lượng và các thông số không đạt sẽ không được nghiệm thu. Dự kiến chính thức thông xe kỹ thuật ngày 28-6”.
THANH HẢI