Lời động viên chân tình, lời tri ân sâu sắc là tất cả những gì mà những người làm báo SGGP nhận được từ những cảnh đời khốn khó đang vươn lên trong cuộc sống, những độc giả gần xa gắn bó thân thiết với báo và chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6.
Làm việc nghĩa
Một buổi sáng trung tuần tháng 5, cũng vừa lúc dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, chúng tôi đã có dịp gặp, trò chuyện thân mật với ông Phạm Ngọc Hồng, một cán bộ hưu trí ngụ tại tổ 40, khu phố 4 phường 5, quận 10. Ông Hồng là độc giả gắn bó với Báo SGGP hàng chục năm qua.
Hai năm trở lại đây, ông Hồng còn đặc biệt quan tâm đến chuyên mục Địa chỉ cần giúp đỡ trang Nhịp cầu nhân ái. Xót xa trước cảnh khổ vì cái nghèo, cái đớn đau của bệnh tật hành hạ, những con người gần cả đời cùng cực, ông Hồng một mặt tự mình bỏ tiền túi, mặt khác vận động hàng xóm cùng bỏ ra chút ít tiền mọn làm việc nghĩa. Vài trăm ngàn đến vài triệu không phải là quá lớn nhưng việc làm của ông Hồng và bà con tổ 40 ít nhiều đã cùng các mạnh thường quân khác đã “góp gió thành bão” giúp đỡ người khó tạm qua cơn ngặt nghèo.
Gần nhất là trường hợp gia đình anh Phạm Hồng Khánh (thôn 2, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) với tình cảnh vô cùng ngặt nghèo khi cùng lúc hai vợ chồng và đứa con đều mắc những chứng bệnh quái ác là xơ gan, ung thư. Sau khi quyên góp được hơn 1 triệu đồng, ông Hồng đại diện cho bà con trong tổ đến tận Báo SGGP trao số tiền nghĩa tình giúp gia đình bất hạnh ấy thêm chút hy vọng. Ông Hồng chia sẻ: “Suốt nhiều năm qua, Báo SGGP không những tuyên truyền tốt về mặt chính trị - xã hội mà còn là nhịp cầu kết nối những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh bất hạnh vượt qua cơn nguy kịch, vươn lên trong cuộc sống. Tôi cũng như tất cả mọi người khác mong báo sẽ tiếp tục chở niềm tin đến với người cơ nhỡ”.
“Anh Điền, quận 6”
Vài năm gần đây, trong những lần trực tiếp nhận từ thiện do bạn đọc đóng góp vào quỹ từ thiện xã hội của Báo SGGP, chúng tôi gặp một thanh niên dong dỏng cao, đôi mắt tinh anh qua cặp kính trắng, giọng nói trong và từ tốn. Điều ấn tượng là mỗi lần đến Báo SGGP, anh đều đóng góp cùng lúc giúp cho 3-4 trường hợp bệnh nhân cơ nhỡ, người nghèo. Và thông tin anh để lại cũng rất ngắn gọn: “Anh Điền, quận 6”; ngoài ra không yêu cầu phải ghi chi tiết gì thêm. Làm việc nghĩa xong, anh quay ra bước đi rất nhanh.
Trong một lần cố ý “đón lõng”, chúng tôi được anh tâm tình vài cảm nghĩ về hành động nghĩa hiệp nhiều năm qua của mình. Thói quen đọc báo SGGP của anh Điền có được do ảnh hưởng từ người cha, một cán bộ về hưu. Anh Điền tâm sự: “Mặc dù cũng có người cho rằng báo SGGP hơi khô cứng do tính chất chính trị, nhưng tôi thấy báo có rất nhiều chuyên mục phong phú. Ngoài chức năng cung cấp thông tin cần thiết đang diễn ra từng ngày trong đời sống xã hội, báo còn có tin bài rất có ích, hỗ trợ cộng đồng cụ thể như trang mục Nhịp cầu nhân ái. Anh Điền cho biết đang làm việc tại một công ty kiểm định nước ngoài, thu nhập không quá nhiều nhưng tất cả những trường hợp khó khăn đăng trên báo SGGP, anh đều trích tiền túi giúp đỡ.
Hồi sinh
Còn đối với anh Lê Phạm Minh Toàn (21 tuổi), quê thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước (Bình Định), một bệnh nhân tim đã bình phục nhờ sự giúp đỡ kịp thời của đông đảo bạn đọc thì Báo SGGP là ân nhân giúp anh hồi sinh và có cuộc sống bình yên, ý nghĩa như ngày hôm nay.
Nhớ lại ngày gặp chúng tôi tại Khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy mà Toàn không khỏi bùi ngùi. Gia cảnh Toàn cực kỳ éo le. Bản thân anh bị bệnh tim, người anh cả bại não, anh trai kế tâm thần, còn người em út bị động kinh. Nhà nghèo, mẹ Toàn cầm cố mấy sào ruộng lấy tiền đưa con đi chữa bệnh. Ấy vậy mà, mấy chục triệu đồng cũng đã cạn kiệt vài tuần sau đó trong khi chi phí phẫu thuật gần trăm triệu đồng không biết phải xoay trở thế nào. Thế nhưng mọi chuyện không phải đã chấm hết. Hơn một tuần sau khi mục Địa chỉ cần giúp đỡ Báo SGGP đăng thông tin kêu gọi sự giúp đỡ dành cho Toàn (ngày 24-11-2011) đã có rất nhiều bạn đọc cảm thông và sẻ chia với anh với số tiền đóng góp hàng chục triệu đồng, mong muốn cứu sống chàng trai trẻ bất hạnh.
“Nếu không có Báo SGGP và nhiều người tốt trong xã hội dang tay cứu giúp, tôi không biết sẽ như thế nào. Tôi chân thành cảm ơn mọi người mong Báo SGGP tiếp tục giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh khác”, Toàn xúc động nói. Hiện sức khỏe anh Toàn đã tiến triển tốt, anh đang làm công nhân tại một xưởng mộc ở quê nhà với mức lương gần 4 triệu đồng tháng. Số tiền đó anh dùng trang trải chi phí cá nhân và phụ mẹ nuôi những anh em bất hạnh còn lại của mình.
MAI NGUYỄN