Cầu treo “lắc lẻo”

Nghệ An là địa bàn rộng với nhiều sông, suối,... nên hàng loạt cầu treo được xây dựng để phục vụ đời sống người dân. Nhưng thời gian qua, do xuống cấp, bị đánh cắp linh - phụ kiện... nên nhiều cầu treo vốn đã “lắc lẻo”, trở thành mối hiểm nguy rình rập người qua lại.
Cầu treo “lắc lẻo”

Nghệ An là địa bàn rộng với nhiều sông, suối,... nên hàng loạt cầu treo được xây dựng để phục vụ đời sống người dân. Nhưng thời gian qua, do xuống cấp, bị đánh cắp linh - phụ kiện... nên nhiều cầu treo vốn đã “lắc lẻo”, trở thành mối hiểm nguy rình rập người qua lại.

        Cầu tiền tỷ, khắc phục tạm bằng... tre

Đầu tháng 3, có mặt tại cầu treo Lam Khê (xã Chi Khê, huyện Con Cuông), chúng tôi thấy có gần 10 đoạn lan can cầu bị cưa hoặc bẻ mất, tạo ra những khoảng trống rất nguy hiểm. Để xử lý, nhiều đoạn lan can đã được người dân dùng tre cột ráp lại.

Ông Kha Văn Dần, Trưởng bản Lam Khê, giải thích: “Nếu không nẹp tre lại, mỗi ngày bản chúng tôi có 60 học sinh đi học qua đây 2 lượt thì rất nguy hiểm”. Ông Dân cho biết, năm 2005 cầu treo cũ bị lũ cuốn trôi, đến năm 2008, UBND tỉnh đã cấp gần 5 tỷ đồng xây dựng cầu treo mới. Năm 2009 cầu được đưa vào sử dụng, nhưng chỉ được thời gian ngắn, các lan can cầu bị một số đối tượng cưa lấy ống tuýp, nẹp sắt, nẹp sàn gỗ cũng bị tháo.

“Xã thay lan can và sửa nhiều lần nhưng đều bị kẻ xấu lấy cắp. Cuối năm 2013, UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí để sửa chữa lại như thay lan can, thay hết ván gỗ… nhưng đến nay nhiều lan can cầu lại bị mất”, ông Dần cho biết thêm.

Cầu treo Lam Khê (huyện Con Cuông) mới được sửa chữa nhưng sau hơn 2 tháng lại phải nẹp tạm bằng tre.

Cầu treo Lam Khê (huyện Con Cuông) mới được sửa chữa nhưng sau hơn 2 tháng lại phải nẹp tạm bằng tre.


"Trong tháng 3 này, UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra để rà soát lại hệ thống các cầu treo trên địa bàn tỉnh. Đối với những cầu bị phá hoại, sở sẽ tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo giao cho huyện, xã quản lý và xử lý"

Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ

Cùng hoàn cảnh như cầu treo Lam Khê, cầu treo Đò Rồng nối 2 xã Hùng Sơn và xã Tường Sơn (huyện Anh Sơn) cũng bị phá hoại. Cầu treo này đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012, nhưng đến nay một số lan can đã bị tháo hoặc bị gãy tạo ra những “cái bẫy” đối với người và phương tiện qua lại. Người dân địa phương phải dùng nhiều sợi xích để “trám” vào những vị trí lan can bị mất.
Cầu treo bản Lau (xã Thạch Giám, huyện Tương Dương) được đưa vào sử dụng năm 2011 với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Trưa ngày 4-3, khi đến cầu này chúng tôi thấy lan can cầu được nẹp bằng rất nhiều cây tre. Đúng lúc ấy học sinh đi học về. Nhìn các em đạp xe qua cầu mà không khỏi phấp phỏng, ái ngại.
Ông Vi Văn Tỵ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám, thừa nhận: “Chúng tôi phải nẹp tre vì các lan can cầu đã bị mất trộm. Tình trạng này không chỉ mới xảy ra mà trước đó đã bị mất, khắc phục sửa chữa 2 lần nhưng giờ vẫn tái diễn. Không chỉ thế, hiện tại một phía đầu cầu treo do lệch dóng neo nên cầu bị sụt xuống một bên. Rồi băng lăn, nẹp băng lăn và các ván gỗ cũng đã mục nên cầu rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi lại”.

        Trách nhiệm đang bị... “treo”?

Đầu tháng 1-2013, Sở GTVT Nghệ An đã kiểm tra 36 cầu treo trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện có tới 30 cầu có vấn đề. Cụ thể, tại huyện Quỳ Châu có 5/5 cầu, Quế Phong 9/12 cầu, Thanh Chương 1/2 cầu, Tân Kỳ 2/2 cầu, Anh Sơn 2/2 cầu, Con Cuông 4/5 cầu, Tương Dương 4/5 cầu, Kỳ Sơn 3/3 cầu. Phần lớn các cầu treo đều bị mắc một số “bệnh” như: mặt cầu, dầm cầu bị biến dạng; lan can hỏng; hệ thống bu lông cổng cầu cáp treo hoen gỉ; gỗ băng lăn mặt cầu bị hỏng; nẹp băng lăn bị mất; bu lông lan can mất…

Trước thực trạng trên, trong năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã 2 lần phê duyệt với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng để sửa chữa các cầu xuống cấp.

Về trách nhiệm quản lý, bảo vệ cầu treo, hiện các bên liên quan vẫn đùn đẩy cho nhau. Ông Lộc Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Chi Khê (huyện Con Cuông) cho biết: “Chúng tôi đã cử công an xã vào cuộc nhưng vẫn chưa bắt được đối tượng phá hoại cầu treo Lam Khê. Xã cũng đã rất quyết liệt vào cuộc nhưng việc phá hoại vẫn cứ tái diễn”.

Trong khi xã “bó tay” thì ông Lưu Văn Cứu, Trưởng phòng Công thương huyện Con Cuông, cho biết: Việc quản lý cầu treo đã được phân cấp cho xã nên huyện đã chỉ đạo xã Chi Khê có giải pháp khắc phục và có biện pháp bảo vệ cầu. Còn về cầu treo bản Lau, ông Vi Văn Tỵ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám (huyện Tương Dương) cho hay: “Xã đã nhiều lần cắt cử công an viên, cán bộ bản phục bắt các đối tượng trộm lan can cầu nhưng chưa phát hiện được. Hiện việc xử lý nằm ngoài tầm kiểm soát của xã nên đang đề xuất huyện hỗ trợ”.

Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Hợi, Phó Trưởng phòng Công thương huyện Tương Dương, khẳng định: “Việc cầu treo bản Lau xuống cấp là do trách nhiệm quản lý của cấp xã chưa cao đã để xe quá tải trọng qua cầu. Xã có đội ngũ công an viên nên phải vào cuộc để xử lý các đối tượng phá hoại”. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Việc quản lý các cầu treo trên địa bàn đã được phân cho cấp xã quản lý nên để xảy ra mất cắp thuộc trách nhiệm của xã”.

DUY CƯỜNG



Phập phồng qua cầu

Nằm trên miền ngược, có nhiều sông suối, hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều cầu treo, cầu tạm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng nói là hầu như các cây cầu này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Tại xã Đắk Môn, huyện biên giới Đắk Glei (Kon Tum), chúng tôi “mục sở thị” 2 cây cầu treo tại thôn Ri Nầm và Đắk Nai, được xây dựng từ trước năm 2005. Cầu treo thôn Ri Nầm bắc qua sông Pô Kô tới khu sản xuất chính của bà con dân tộc thiểu số có chiều dài hơn 30m, rộng khoảng 1,2m. Phần dây treo được làm bằng dây cáp vặn, phần sàn đoạn lót bằng tấm sắt, đoạn lót bằng ván gỗ.

Bà Y Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Môn, cho biết: “Cả hai cây cầu đã bị hư hỏng nặng do cơn bão số 9 xảy ra hồi cuối năm 2009. Những miếng ván gỗ thay thế tấm lót sắt đã bị cuốn trôi, người dân tự sửa chữa dùng tạm”. UBND xã đã đề nghị cấp trên cấp kinh phí sửa chữa nhưng vẫn chưa được giải quyết” - bà Viên cho biết.

Các cầu treo bắc qua sông Pô Kô (tỉnh Kon Tum) đều trong tình trạng mục nát, rất nguy hiểm.

Các cầu treo bắc qua sông Pô Kô (tỉnh Kon Tum) đều trong tình trạng mục nát, rất nguy hiểm.

Hỏng nặng hơn là cầu treo của làng Đắk Tu, xã Đắc Long (huyện biên giới Đắk Glei), chiều dài khoảng 40m, chiều rộng 1m. Hai bên cầu là những cây sắt xen kẽ những cây nứa dài chằng chịt như mạng nhện. Sàn ván gỗ đã mục nát, nhiều cây đinh nhô lên mặt sàn khoảng 1cm. Cây cầu nằm trên con đường huyết mạch vận chuyển nông sản của người dân địa phương nên rất nguy hiểm.

Tương tự tại huyện Ngọc Hồi, dọc theo dòng sông Pô Kô có 5 cây cầu treo. Nhiều mố cầu bị nước xói, không bảo đảm an toàn. Nhiều đoạn như ở các thôn Cà Nhảy, Dục Nhầy (xã Dục Nông), người dân vẫn sử dụng cáp treo đu qua sông.

Để khắc phục các cầu đang xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cần đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có kinh phí nên “lực bất tòng tâm”...

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục