Nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của trên mười nghìn người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh trên đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta nói: đến Quảng Trị mà không về nghĩa trang Trường Sơn tức chưa tới mảnh đất này. Nghĩa trang là một trong những địa chỉ đỏ ghi dấu sự bi tráng của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng đất nước của dân tộc ta. Đến nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là hướng về quá khứ; thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với những người đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc. Đây còn là nơi ta tìm về chốn tâm linh đượm chất huyền thoại.
Một vùng đồi núi yên lặng rợp bóng cây xanh. Những cây thông vạm vỡ, thân xù xì, lá xanh vi vút bốn mùa. Hàng phượng vĩ mỗi độ hè về đỏ rực hoa như những vầng mây lửa bập bùng. Và tiếng ve, tầng tầng lớp lớp cuộn lên ran ran như sóng trào, như đuốc cháy. Tôi đã nhiều lần đến đây, lắng vào lồng tiếng ve nóng bỏng ấy và những câu thơ bất chợt bùng lên: Kêu sớm, kêu chiều, kêu cả hoàng hôn / Kêu bồ đề xanh, kêu tượng đài trắng / Kêu buốt lá kim trên cây mọc thẳng / Tiếng kêu nhức nhức Trường Sơn / Ve kêu mất còn / tiếng kèn chiêu tập / ve kêu mỏi mòn / nhắc thời máu ứa / Về chưa… về chưa? Trước hơn một vạn liệt sĩ, trong một đêm lung linh ánh nến, ngàn ngạt khói nhang, tôi đã từng nghẹn ngào đọc cho các anh, các chị nghe bài thơ Khát vọng Trường Sơn của mình: Nằm kề nhau / những nấm mộ giống nhau / mười nghìn bát hương mười nghìn ngôi sao cháy / mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng / mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn… Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn sông Bến Hải ấy, như mười nghìn hạt giống chưa về phù sa và đó cũng là mười nghìn khát vọng của Trường Sơn điệp trùng bi tráng.
Dưới bóng cây, những ngôi mộ bé nhỏ nằm bên nhau, hàng hàng lối lối thẳng tắp. Khu Hà Nội, khu Bình - Trị - Thiên, khu Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn…; các tỉnh thành phía Bắc, phía Nam, đủ cả. Con em của cả nước an nghỉ tại Trường Sơn, bên dòng Bến Hải nơi năm xưa là vết đau chia cắt đất nước, nơi còn âm vang những bài ca đánh Mỹ hào hùng.
Có những điều chưa lý giải nổi, những câu chuyện huyền bí được truyền cho nhau về mảnh đất này. Tiếng hô thể dục buổi sáng tỏ mờ trong sương núi bảng lảng. Bóng những anh bộ đội, các cô thanh niên xung phong thấp thoáng trong đêm trăng. Tiếng hát mở đường chập chờn đâu đấy, lúc xa lúc gần…
Giữa vùng đồi sỏi đá ấy có một hồ nước chưa bao giờ cạn dù trời hạn hán đến đâu. Và, kỳ lạ nhất là cây bồ đề tươi tốt ôm lấy tượng đài Tổ quốc ghi công. Cây bồ đề, theo anh em quản trang kể lại thì nó tự nhiên mọc lên, tự nhiên xanh tốt, lặng lẽ trở thành đại thụ chỉ sau ba mươi năm kể từ khi chúng ta khởi công xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Cây như một tượng đài xanh của Đức Phật gửi tặng, nối liền đôi cõi âm – dương trong mối liên thông giữa người sống và người chết. Nghĩa trang đã 3 lần được sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp, kể cả tượng đài Tổ quốc ghi công xây bằng bê tông nhưng cây bồ đề vẫn được giữ nguyên đúng vị trí ấy.
Cây bồ đề linh thiêng đã đi vào trường ca Vạn lý Trường Sơn của tôi đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh: Sinh ra cùng ngày với tượng đài Tổ quốc ghi công / cây bồ đề đã trở thành đại thụ / tán lá - bầu trời tròn che chở / vạn linh hồn phiêu diêu / Duy nhất mọc ra ở nghĩa trang Trường Sơn / mọc không do ai trồng cả / cây bồ đề từ lòng Phật bước ra / làm một tượng đài Trường Sơn khác / Một tượng đài xanh cao mười mấy mét / mà vẫn không vượt qua mái tóc trắng mẹ ta / một tượng đài được tưới bằng nước mắt / giữa cõi Trường Sơn mặn chát vô cùng…
Cây bồ đề ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn cũng là sự kỳ diệu linh thiêng trên cõi đời này!
Nguyễn Hữu Quý