Cây me, giếng nước còn đây...

Hơn 200 năm đã trôi qua, kể từ khi phong trào khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn thất bại, trên quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung (ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của cuộc khởi nghĩa này. Sức sống của phong trào nông dân Tây Sơn bền chặt trong lòng người dân qua những câu ca dao như “Cây me cũ, bến Trầu xưa/Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm” hay câu “Cây me, giếng nước, sân đình/Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi”…
Cây me, giếng nước còn đây...

Hơn 200 năm đã trôi qua, kể từ khi phong trào khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn thất bại, trên quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung (ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của cuộc khởi nghĩa này. Sức sống của phong trào nông dân Tây Sơn bền chặt trong lòng người dân qua những câu ca dao như “Cây me cũ, bến Trầu xưa/Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm” hay câu “Cây me, giếng nước, sân đình/Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi”…

  • Đầu năm cầu an
Ngày 28-11-2011 tại Bảo tàng Quang Trung, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam vinh danh cây me cổ thụ trong khuôn viên bảo tàng. Cây me cổ thụ này đã hơn 250 năm tuổi, có chiều cao 24m, đường kính 1,2m, tán rộng che phủ 600m²

Không chỉ ở huyện Tây Sơn (ngày xưa gọi là Tây Sơn hạ đạo) mà ở các huyện An Khê, KBang của tỉnh Gia Lai (thuộc Tây Sơn thượng đạo), những di tích của phong trào Tây Sơn luôn được người dân gìn giữ, tôn sùng như là những gì thiêng liêng nhất trong đời sống tín ngưỡng của mình.

Nhiều người con của đất Bình Định đi làm ăn ở xa, mỗi khi có dịp về quê đều tranh thủ đến Bảo tàng Quang Trung để cầu an. Hàng năm, vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán, hàng ngàn người dân các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Phú Yên… nô nức kéo về Bảo tàng Quang Trung (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) trẩy hội mừng chiến thắng Đống Đa.

Tất cả đều thành kính, cúi mình dâng hương trước người anh hùng áo vải trong điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung), rồi sau đó là những lời thỉnh cầu cho một năm mới bình an, sức khỏe, tài lộc dồi dào…

Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt nằm trên nền nhà của cụ Hồ Phi Phúc - thân sinh của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - ngày xưa. Ngoài làm ruộng, cụ Phúc làm thêm nghề buôn bán nên gia đình thuộc hàng khá giả, ba anh em nhà Tây Sơn được gửi đến nhà thầy giáo Hiến ở An Thái học cả văn lẫn võ.

Ngôi nhà của ông Hồ Phi Phúc là nơi gắn bó với tuổi thơ của anh em nhà Tây Sơn cho đến khi phất cờ tụ nghĩa. Sau khi phong trào nông dân Tây Sơn thất bại, triều đình nhà Nguyễn thi hành chính sách trả thù tàn bạo, tàn phá tất cả những di tích của tiền triều để lại. Với tấm lòng sùng kính những người anh hùng dân tộc, dân làng đã dựng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc ngôi đình Kiên Mỹ để tưởng nhớ ba anh em nhà Tây Sơn.

Nhằm tránh sự ngăn cấm của triều Nguyễn lúc bấy giờ, người dân gọi đình này là nơi thờ cúng Thành Hoàng. Hàng năm, vào ngày 5-11 Âm lịch, tức vào dịp lễ Thường tân (tết cơm mới), dân làng cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn” nhưng thường chỉ cúng hương hoa và chỉ “mật cáo” chứ không có văn tế. Lời “mật cáo” được bí mật truyền miệng từ đời người phụng tế này đến người phụng tế khác…

Cây me cổ thụ đã hơn 250 tuổi trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

Cây me cổ thụ đã hơn 250 tuổi trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

Dấu tích vườn nhà Tây Sơn còn lưu giữ đến bây giờ là hình ảnh cây me, giếng nước. Giếng nước nhà Tây Sơn được gọi là “giếng thiêng”. Người dân trong vùng, du khách thập phương khi có bệnh thường đến điện thờ thắp hương khấn vái và xin nước uống với niềm tin rằng sẽ khỏi bệnh. Bến Trường Trầu vốn là một bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Kôn ngày xưa. Trầu và cau từ Tây Sơn thượng đạo được hàng đoàn người (đồng bào thiểu số) gùi sau lưng theo đường bộ hoặc chở bằng một loại thuyền nan nhỏ xuống bến Trường Trầu bán về đổi lấy muối, đồ sắt và các sản phẩm khác.

Tương truyền rằng, trước khi dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc cũng tham gia buôn bán trầu nên người dân Kiên Mỹ cũng như nhiều vùng xung quanh đến nay vẫn quen gọi Nguyễn Nhạc là anh Hai Trầu (cũng như gọi Nguyễn Huệ là chú Ba Thơm, vì thuở nhỏ ông có tên là Thơm và gọi Nguyễn Lữ là thầy Tư Lữ, vì ông có thời đi tu).

  • Khí phách hùng thiêng

Cây me cổ thụ trong Bảo tàng Quang Trung tương truyền do chính tay cụ Hồ Phi Phúc trồng. Hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cây me cổ thụ được giao cho anh Đỗ Thanh Minh (36 tuổi, nhân viên của Bảo tàng Quang Trung) chăm sóc.

Theo anh Minh, cây me trong vườn nhà Tây Sơn có sức sống bền bỉ, dáng thế vững chãi trong phong ba bão táp, giống như khí phách của người quân tử. Chăm sóc cây me này chỉ gồm những công việc như: làm cỏ, bón phân 6 tháng một lần; phun thuốc (thuốc trừ sâu, mối, kích thích lá…) 3 tháng một lần; hái bớt trái me non (để cây me không kiệt sức) và hái trái me chín để lấy hạt…

 Việc nhân giống me cổ thụ có quy mô bắt đầu từ tháng 10-2005 do công đoàn của bảo tàng tiến hành. Hơn 500 hạt me giống cổ thụ sau một thời gian ươm đã nảy nở mầm xanh, phát triển một cách nhanh chóng. Nhiều du khách đến thăm bảo tàng đều thích mua đem về nhà trồng, đặc biệt là những du khách từ miền Bắc. Thậm chí có người đã mua một lúc hàng chục cây mang về làm quà cho bè bạn. Sau lần thành công “ngoài sức mong đợi” đó, việc nhân giống cây me cổ thụ được các nhân viên Bảo tàng Quang Trung duy trì cho đến nay.

Năm 2008, nhân dịp Festival Tây Sơn Bình Định lần thứ nhất, hàng ngàn hạt me giống cổ thụ đã được Bảo tàng Quang Trung phân phát cho du khách… Anh Minh tâm sự: “Cây me cổ thụ trong Bảo tàng Quang Trung, ngoài giá trị thẩm mỹ, cảnh quan môi trường còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử, là một biểu tượng cho sự trường tồn trong lòng dân tộc Việt Nam của phong trào Tây Sơn. Đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử dựng nước, giữ nước, cây me cổ thụ vẫn mạnh mẽ sống, hiên ngang vươn cao giữa đất trời, chứng kiến bao đổi thay của đất nước.

Với người dân Bình Định, cây me có giá trị đặc biệt, mang khí phách hùng thiêng của người anh hùng áo vải Quang Trung. Vì vậy, không ít người dân đã đến Bảo tàng Quang Trung tìm giống me cổ thụ đem về trồng ở nhà mình”.

Du khách đến thăm giếng nước trong Bảo tàng Quang Trung.

Du khách đến thăm giếng nước trong Bảo tàng Quang Trung.

Mỗi khi du khách đến Bảo tàng Quang Trung, đầu tiên là vào điện thờ dâng hương, sau đó ra giếng uống nước và rửa mặt, ngồi nghỉ chân đôi lát dưới cây me cổ thụ rồi vào thăm trưng bày triển lãm, xem biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn… và hình ảnh Hoàng đế Quang Trung vẫn luôn hiện hữu: Bước lên đỉnh gò cao, tay trái cầm thanh kiếm, tay phải đưa lên cao rồi hướng về phía trước, cất lời hiệu triệu “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

HOÀNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục