Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh học rất đa dạng và phong phú, được xếp thứ 16 trong 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới; trong đó có hàng ngàn loại cây, cỏ được dùng làm thuốc chữa bệnh cùng nhiều bài thuốc dân gian rất đặc biệt. Tuy nhiên, do khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch bảo tồn, cùng với việc xuất lậu cây thuốc tràn lan nên nguồn dược liệu thiên nhiên quý nước ta đang ngày càng cạn kiệt.
- Vào vườn quốc gia diệt cây thuốc
Từ thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, Cao Bằng theo tỉnh lộ 229, chúng tôi tới xã Đức Xuân, một trong những điểm nóng về khai thác cây dược liệu ở Cao Bằng. Ôm một bó lớn cây Chà nọc kha còn tươi nguyên chuẩn bị đem đi phơi, bà Nông Thị Ca, chủ một điểm thu mua cây dược liệu, than thở: “Mấy ngày qua, mới chỉ mua được có hơn 1 tạ. Trước đây mỗi ngày mua cũng được 4-5 tạ”. Chỉ vào đống cây thuốc khô được chất ngất phía nhà trong, bà Ca thật thà nói: “Toàn cây Chà nọc kha và cây Na dây khô đó, mua 6 bán 10”.
Được biết, tại điểm thu mua này, cứ một cân Chà nọc kha tươi được mua với giá 2.000 đồng, sau khi phơi khô (3 cân tươi được 1 cân khô) bán lại được 10.000-12.000 đồng/kg. Cách điểm thu mua cây thuốc của nhà bà Ca chưa đầy 100m là điểm thu mua của bà Hoàng Thị Tuyên. Nếu khách hàng có nhu cầu, từ Chà nọc kha cho tới Sâm đất, Mằn đông, Na dây… đều có cả. “Muốn mua một xe tải cũng có” - bà Tuyên nói.
Bà Đàm Thị Phượng, Trưởng trạm Y tế xã Đức Xuân, cho biết cả xã có 7 thôn, với hơn 447 hộ, trên 2.000 dân chủ yếu là người Tày và Nùng, bao đời nay người dân quen vào rừng lấy cây thuốc đem bán. Thôn Nà Pá có trên 80/129 hộ chuyên đi rừng lấy thuốc làm kế sinh nhai hàng ngày.
Rất nhiều nơi khác ở Cao Bằng người dân cũng đua nhau lên rừng chặt phá lấy cây thuốc. Ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh Cao Bằng, lo ngại cho biết 13 huyện thị trong tỉnh nơi nào cũng có 5-10 điểm thu mua cây thuốc với quy mô lớn vài trăm tấn một năm và có chân rết hàng chục điểm thu mua nhỏ lẻ len lỏi tới tận các bản làng heo hút.
Vì vậy, đất Cao Bằng dù có trên 617 loài cây thuốc, thuộc 211 họ thực vật, trong đó nhiều loại quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: Thanh thiên quỳ, Lan gấm, Hà thủ ô, Ba kích, Thổ phục linh, Giả cổ lam, Sâm cau, Sa nhân… nhưng ngày một cạn kiệt do khai thác quá mức.
Ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cho biết, tại đây các nhà khoa học đã phát hiện được 2.024 loài thực vật bậc cao, thuộc 200 họ, có 66 loài trong Sách đỏ Việt Nam, trong đó cây thuốc chiếm khoảng 700 loài. Với hệ thực vật đa dạng, phong phú, Vườn Quốc gia Hoàng Liên được ví như kho thuốc quý của Việt Nam, nhưng đáng lo ngại kho thuốc này ngày một cạn kiệt vì tình trạng khai thác vô tội vạ.
Đặc biệt cây Hoàng liên chân gà - một cây thuốc quý, mọc tự nhiên đã được Sách đỏ Việt Nam năm 1996 và 2007 xếp vào hạng rất nguy cấp nhưng vẫn tiếp tục bị khai thác và người ta vẫn thấy chúng được bày bán ở chợ Sa Pa.
TSKH Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, cho biết ngay tại Vườn Quốc gia Ba Vì, chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 70km, ở đây có tới 250 cây làm thuốc thì nay tình trạng cũng không khá hơn. Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ nhiệm HTX thuốc Nam Ba Vì, nói rõ thêm 12 loại cây thuốc ở đây đã gần như tuyệt diệt, trong đó có Hoa tiên, Huyết đằng, Bát giác tiên, Râu hùm, Hoàng đằng, Củ dờm...
- “Chảy máu” nguồn dược liệu
Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng khai thác tận diệt cây thuốc chỉ phục vụ một phần rất nhỏ cho nhu cầu sản xuất đông dược trong nước, còn chủ yếu là bán cho các đầu nậu tư nhân xuất lậu sang biên giới.
Ở Cao Bằng, tại các huyện có cửa khẩu với Trung Quốc, các thương lái phối hợp với các đầu nậu của Trung Quốc đã lập ra các trạm thu mua dược liệu tại địa phương. Ngay tại TP Lào Cai và thị trấn Sa Pa, cũng có những dãy phố chuyên thu mua, buôn bán dược liệu qua sơ chế rồi bán qua biên giới. Củ Bình vôi trắng, củ Bình vôi vàng, Giảo cổ lam, Hoàng tinh vàng, Huyết đằng… từ đây cứ lần lượt ra đi.
TSKH Trần Công Khánh cho biết nhiều loại cây thuốc đang bị xuất lậu sang Trung Quốc nhưng chúng ta không rõ giá trị kinh tế cũng như công dụng chữa bệnh của nó. Ông dẫn ra một ví dụ, cây Sói rừng hay là cây Chè dại dùng trị giảm đau, một cân cây khô bán qua biên giới chưa tới 20.000 đồng. Nhưng ở Trung Quốc, loại cây này lại được chiết xuất làm thuốc chữa ung thư tụy, dạ dày, gan, trực tràng… nên rất có giá trị kinh tế.
Sau nhiều năm nghiên cứu về cây thuốc và bài thuốc cổ truyền dân tộc, TSKH Trần Công Khánh khẳng định, nước ta còn hàng ngàn loài cây thuốc gắn với nhiều bài thuốc y học gia truyền bản địa. Những bài thuốc gia truyền gắn liền với cây thuốc Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả hai nguồn tài nguyên là cây thuốc thiên nhiên và bài thuốc gia truyền đang bị suy giảm nhanh chóng và có nguy cơ thất truyền.
“Nếu chúng ta không sớm có chính sách bảo tồn cây thuốc và các bài thuốc dân gian gia truyền thì cây thuốc hoang dã trong thiên nhiên sẽ thành cây cỏ hoang dại, vô nghĩa, cùng với đó là các bài thuốc dân gian ngày càng mai một” – TSKH Trần Công Khánh lưu ý.
Vừa là nhà khoa học vừa là doanh nhân, TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, đòi hỏi chúng ta cần phải hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền và thực hành tốt việc trồng trọt cây thuốc theo tiêu chuẩn GAP.
“Nước ta cần sớm có quy hoạch, hình thành những vùng chuyên canh trồng cây thuốc, các sản phẩm cây thuốc có giá trị cao về kinh tế và công dụng phải được đăng ký thương hiệu và gắn nhãn mác cụ thể, cũng như lưu giữ và bảo tồn nguồn gen” – TS Trần Văn Ơn nói.
Còn TS Trần Ngọc Hải, Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng để bảo tồn nguồn gen các loài cây thuốc quý hiếm, cần khẩn trương điều tra lại vùng phân bố của từng loài, đánh giá hiện trạng đồng thời xây dựng quy trình khai thác đảm bảo tái sinh tự nhiên. Cần xây dựng mô hình trồng cây thuốc theo phương thức làm giàu rừng và mô hình nông lâm kết hợp quy mô gia đình.
QUỐC KHÁNH
|