Cây tràm đang bị... “hắt hủi”

Hàng loạt hộ trồng tràm ở ĐBSCL đang “mặt ủ mày ê” vì giá rớt thảm hại và khó tiêu thụ. Nhiều diện tích tràm đang bị chặt phá một cách không thương tiếc, trong khi các ngành chức năng tỏ ra bế tắc giải pháp giữ rừng tràm.Đồng loạt... phá tràm!
Cây tràm đang bị... “hắt hủi”

Hàng loạt hộ trồng tràm ở ĐBSCL đang “mặt ủ mày ê” vì giá rớt thảm hại và khó tiêu thụ. Nhiều diện tích tràm đang bị chặt phá một cách không thương tiếc, trong khi các ngành chức năng tỏ ra bế tắc giải pháp giữ rừng tràm.

Đồng loạt... phá tràm!

Long An là một trong những địa phương có rừng tràm lớn nhất cả nước, những ngày này khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng chực chờ, thế nhưng người dân tỏ ra thờ ơ trong việc giữ tràm.

Ông Sáu Liễu, chủ 2 ha tràm ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, cho biết: “Giá tràm rẻ mạt, càng trồng càng lỗ nên ai cũng bỏ mặc, giữ làm gì?”. Hàng chục năm trồng tràm, chưa bao giờ ông Liễu chứng kiến giá tràm rớt thê thảm như hiện nay. Bình quân 1 ha tràm từ 6- 8 năm tuổi, thương lái mua cao nhất chỉ 15- 18 triệu đồng. Với giá này sau khi trừ tiền giống, phân, nhân công… coi như lỗ trắng.

Kéo chúng tôi ra khu rừng tràm xơ xác không ai chăm sóc, ông Hồ Văn Sum, xã Tân Tây, lắc đầu: “Vào Đồng Tháp Mười lập nghiệp gần 25 năm, lúc nào cũng gắn bó với cây tràm. Một thời tràm được giá cao, từ 60 - 80 triệu đồng/ha đã giúp người dân phất lên trông thấy. Xây nhà, mua xe, mua đất… đều nhờ cây tràm mà có. Khoảng 6 năm gần đây mọi chuyện trái ngược, giá tràm cứ tuột dốc không phanh xuống 50 triệu đồng/ha rồi 40 triệu đồng, nay chỉ 15 triệu đồng/ha”.

Dù gắn bó nhiều năm, nhưng do giá tràm quá thấp không đủ chi phí đầu tư nên ông Sum đành phá bỏ 2 ha tràm để trồng cây khác.

Không chỉ Long An mà nhiều hộ ở Đồng Tháp, Tiền Giang… đang tỏ ra ngán ngẩm cây tràm. Ông Hoàng Đình Toàn, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Tháp Mười, Đồng Tháp) thừa nhận, phá 1 ha tràm và cải tạo đất tốn khoảng 18 triệu đồng. Dù số tiền khá nhiều nhưng người dân vẫn phá ào ạt bởi chỉ sau 1 vụ lúa là lấy lại vốn. Nếu như trước đây toàn xã Trường Xuân có 3.500 ha tràm, 1.900 ha lúa, thì nay ngược lại. Diện tích tràm sụt xuống dưới 1.800 ha để nhường cho cây lúa.

Người dân Long An phá tràm làm củi đốt. Ảnh: HUỲNH LỢI

Người dân Long An phá tràm làm củi đốt. Ảnh: HUỲNH LỢI

Bế tắc giải pháp?

Theo Sở NN- PTNT các tỉnh ĐBSCL, tràm mất giá là do các nhà thầu xây dựng hạn chế sử dụng cừ tràm, chuyển sang dùng cừ sạn, cừ đá, cọc nhựa, bê tông… từ đó dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Ngoài ra do người dân đẩy mạnh thâm canh, bón nhiều phân… để rút ngắn thời gian thu hoạch từ 9 - 10 năm xuống còn 5- 6 năm khiến chất lượng cây tràm không đảm bảo và bị nhà thầu chê.

Cừ tràm mất giá, những năm qua dân trồng tràm chỉ còn cách bán cho thương lái cưa làm củi đốt, một số bán cho cơ sở băm ra dăm xuất khẩu… tuy nhiên số lượng tiêu thụ chưa bao nhiêu.

Ông Lê Phát Đạt, Trưởng phòng Lâm nghiệp, Sở NN- PTNT Long An, lo lắng: “Từ 69.000 ha tràm, vậy mà hiện nay toàn tỉnh còn chưa đầy 47.000 ha, nếu giá tràm không cải thiện thì rừng tràm còn tiếp tục giảm trong thời tới”. Đáng quan ngại là kế hoạch giữ 70.000- 75.000 ha tràm ở Long An coi như phá sản, hiện các ngành chức năng đang tiến thoái lưỡng nan chưa biết giải quyết cách nào?

Tại Đồng Tháp, tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT, cho biết tỉnh đã triển khai rất nhiều giải pháp giữ cây tràm, kể cả chính sách khuyến khích hộ trồng mới được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha, tuy nhiên tình hình không thể cải thiện. Cách đây vài năm một số doanh nghiệp nước ngoài đến đề nghị quy hoạch vùng tràm nguyên liệu để xây dựng nhà máy sản xuất giấy, gỗ… nhưng cuối cùng rút lui vì không hiệu quả kinh tế.

Trong lúc các ngành chức năng bế tắc trong việc tìm đầu ra để “cứu” cây tràm, thì tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, khẳng định: “Thị trường tiêu thụ cây tràm nói riêng và các loại gỗ nói chung rất lớn. Chỉ riêng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mỗi năm đạt bình quân khoảng 2,8 tỷ USD thì phần lớn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài, dẫn đến lợi nhuận thu về giảm mạnh. Chưa kể các nhà máy sản xuất bột giấy, gỗ dăm, ván ép… cũng thiếu nguyên liệu. Thế mà một sản lượng tràm dồi dào ở ĐBSCL rơi vào cảnh ế ẩm, giá rẻ mạt hổng ai mua, thật là nghịch lý?”.

Mấu chốt vấn đề là ngành chức năng thiếu quy hoạch, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho cây tràm, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân hầu như bỏ ngỏ dẫn đến đầu ra bế tắc. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục