Do vậy, để đẩy mạnh công tác này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm cổ phần hóa; đồng thời có phương án xử lý đối với các doanh nghiệp chậm thoái vốn.
Mặc dù công tác sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đã được Chính phủ liên tục họp, tháo gỡ, nhắc nhở, thế nhưng việc thực hiện vẫn chậm. Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (với giá trị doanh nghiệp 40.200 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là hơn 27.300 tỷ đồng); năm 2017 cổ phần hóa được 69 doanh nghiệp (với tổng giá trị doanh nghiệp gần 366.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước gần 160.200 tỷ đồng). Và trong 11 tháng năm 2018 chỉ mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp (với tổng giá trị doanh nghiệp khoảng 29.750 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước hơn 15.400 tỷ đồng).
Trong khi đó, giai đoạn 2017-2020 chỉ tiêu đề ra phải cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp đã được phê duyệt đề án cổ phần hóa, thế nhưng đến nay đã gần nửa hành trình nhưng chỉ mới cổ phần hóa được số lẻ là 27 doanh nghiệp. Con số này dự báo sự chậm tiến độ cho cả giai đoạn, cũng giống như những năm trước, số doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa luôn chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Đối với hoạt động thoái vốn cũng thế, luôn chậm hơn so với chỉ tiêu. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020 chỉ tiêu thực hiện là phải thoái 406 danh mục, với khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong khi đó, năm 2017 chỉ thoái được 9.000 tỷ đồng (thu về hơn 138.300 tỷ đồng) và 11 tháng của năm 2018 thoái được hơn 5.000 tỷ đồng nữa (thu về 10.500 tỷ đồng). Như vậy, tổng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (tính cả thoái vốn nhà nước và thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, DNNN) của năm 2017 gần 144.600 tỷ đồng và 11 tháng của năm 2018 là gần 32.150 tỷ đồng.
Tuy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn đều chậm nhưng hiệu quả sau cổ phần hóa là khá tốt. Sau cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân người lao động của DNNN đều tăng. Hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng tăng trưởng ổn định và phát triển, hoạt động quản trị doanh nghiệp có thay đổi theo hướng tốt hơn.
Giải pháp chặn làm chậm
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc. Ngoài ra, do chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN. Đến nay mới có 35 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, trong khi kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp nhưng đến giờ chỉ mới mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Do vậy, có nguy cơ không đạt được theo kế hoạch đã được giao. Về thoái vốn cũng thế, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp nhưng đến giờ đã 11 tháng mà chỉ mới thoái vốn được 31 đơn vị.
Để đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả cổ phần hóa DNNN và thoái vốn, cần sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nhận thức và hành động quyết liệt hơn. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đến cuối năm nay phải hoàn thành việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp. Đồng thời, phải nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm; gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu.
Về thoái vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành danh mục thoái vốn. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, thì chuyển giao về Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) để tổ chức thoái vốn theo quy định trước ngày 31-12-2018. Bộ Tài chính cũng đề nghị kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN để theo dõi, đánh giá tiến độ.