Là giáo viên dạy môn Lý lâu năm tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy định kỳ thi giáo viên giỏi hàng năm và cảm thấy áp lực ghê gớm.
Vì thế, việc Bộ GD-ĐT vừa ra văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT địa phương chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng “ép” giáo viên tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp để lấy thành tích cho trường khiến chúng tôi rất đồng tình. Không thể phủ nhận nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi cũng bổ ích, tạo sân chơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Nhưng nhìn lại, bệnh hình thức, hành chính hóa vẫn tồn tại và tạo áp lực không nhỏ. Đầu tiên là thi giáo viên giỏi cấp cơ sở được tổ chức thường niên tại trường và chúng tôi phải chứng kiến không ít kiểu đối phó xảy ra. Đó là giáo viên sợ bị rớt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” sẽ bị đánh giá, bị rớt thi đua nên sẵn sàng “mớm bài”, chỉ dẫn học trò đóng kịch, kể cả cho tốp học yếu nghỉ học để nâng chất lượng dạy học… Nhiều câu chuyện bi hài từ việc đối phó với tiết dự giờ, thao giảng, thi giáo viên giỏi đã bị báo chí lên tiếng. Đó là để có tiết dạy học mẫu tốt, được đánh giá cao, giáo viên phải giảng bài trước và cho học sinh thực tập sao cho sôi nổi, hào hứng. Các em được sắp xếp theo kịch bản đặt ra, trả lời câu hỏi của cô giáo sao cho thật khớp, thể hiện hiểu bài giảng… Không phải tổ bộ môn và ban giám hiệu không biết các chiêu trò này cũng như trình độ giáo viên bộ môn, nhưng họ thường làm ngơ và sẵn sàng công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi để trường có thành tích “chuẩn hóa giáo viên” với chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, việc tham gia các hội thi giáo viên giỏi cấp quận, huyện, thành phố rất mất thời gian, công sức. Để thiết kế giờ dạy mẫu hay, tạo ra sáng kiến dạy học hiệu quả, nhiều giáo viên phải đầu tư công phu, kể cả tiền bạc. Khi bị cuốn hút vào hội thi này thì họ lại xao nhãng việc dạy trên lớp. Kể cả để lấy giải này giải nọ, chạy theo thành tích mà nhà trường kỳ vọng, họ phải tìm mọi cách đoạt giải. Như thế, việc tổ chức các hội thi giáo viên giỏi nếu không xuất phát từ mục đích nâng cao trình độ chuyên môn, đánh giá năng lực của giáo viên thì nó sẽ phản tác dụng. Đó là việc tổ chức hình thức, chấm giải thiếu khách quan, thiếu sự trung thực… sẽ khiến nhiều giáo viên đối phó, xem thường.
Cám ơn Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy bệnh hình thức trong tổ chức thi giáo viên giỏi và “thổi còi” chấn chỉnh tình trạng làm cho có, chạy theo bệnh thành tích, “hành hạ” giáo viên và học sinh. Để giáo viên thể hiện tài năng, hứng thú với các cuộc thi nâng cao chuyên môn, sáng tạo trong dạy học, truyền thụ kiến thức thì ngành GD-ĐT cần tổ chức khoa học, thực chất. Hơn nữa, cũng cần có chính sách khuyến khích, đãi ngộ, trả lương tương xứng đối với những giáo viên có năng lực, dạy giỏi để họ dấn thân với nghề, với đam mê làm mới tiết học, thổi hồn vào từng chuyên đề, dự án dạy học theo công nghệ mới.
THẾ NGUYỄN