Chậm quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT: Bệnh viện gặp khó, người bệnh thiệt thòi

Tổng số tiền chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) “vượt trần” mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chưa quyết toán cho các bệnh viện đến nay là hơn 7.000 tỷ đồng. Tình trạng này khiến nhiều bệnh viện thiếu kinh phí hoạt động, chậm trễ chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc men, dẫn đến nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, ảnh hưởng công tác khám, điều trị cho người bệnh.
Kỹ thuật viên Bệnh viện Chợ Rẫy chụp MRI cho người bệnh
Kỹ thuật viên Bệnh viện Chợ Rẫy chụp MRI cho người bệnh

Thiếu kinh phí hoạt động

Nhiều lãnh đạo bệnh viện và sở y tế một số tỉnh, thành phố phản ánh về việc vẫn chưa được quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của vài năm trở lại đây, gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh. Đại diện Sở Y tế Bình Định cho biết, số tiền khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức chưa được quyết toán tại địa phương là 42 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền này tại TP Cần Thơ là 10 tỷ đồng và Bệnh viện Trung ương Huế là 57 tỷ đồng. Một số bệnh viện tại TPHCM cũng bị BHYT từ chối thanh toán khoảng 1.400 tỷ đồng vì vượt quá tổng mức thanh toán.

Theo thống kê sơ bộ của BHXH 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền BHXH Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám chữa bệnh đến nay là hơn 7.000 tỷ đồng. Tình trạng này khiến nhiều bệnh viện thiếu kinh phí hoạt động, dẫn tới chậm trễ trong việc chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc men, khiến nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, chậm cung ứng, gây ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người bệnh.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay, bệnh viện cung cấp dịch vụ cho 3 nhóm đối tượng: người tham gia BHYT, người không tham gia BHYT và dịch vụ theo yêu cầu. Trong đó, nhóm người tham gia BHYT chiếm hơn 65%. Bệnh viện cung cấp dịch vụ cho người tham gia BHYT theo mức giá dịch vụ được cơ quan Nhà nước ban hành, trong khi BHXH lại thanh toán cho bệnh viện theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được giám định hàng tháng, hàng quý và quyết toán hàng năm theo mức tổng hợp.

Như vậy, tổng mức thanh toán phụ thuộc vào số lượt khám chữa bệnh, chi phí bình quân theo nhóm bệnh của năm trước liền kề. Phần vượt mức sẽ không được thanh toán ngay mà phải chờ, dẫn đến bệnh viện bị giảm nguồn thu…

Đồng quan điểm, nhiều bệnh viện cũng cho rằng, có không ít trường hợp, để hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị thì cần có những xét nghiệm rất cần thiết cho bệnh nhân và sử dụng thuốc men đặc biệt. Thế nhưng, những xét nghiệm và thuốc điều trị đó lại bị hạn chế, nên bác sĩ rất dè dặt khi kê đơn vì BHXH sẽ không thanh toán.

Nỗ lực tháo gỡ

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chi phí, thanh toán khám chữa bệnh BHYT, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc Nghị định 75/2023/NĐ-CP được ban hành đã mở ra nhiều đột phá để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, trong đó có việc bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế.

Bệnh viện được thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí trong năm. “Đây là nội dung quan trọng về quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, gỡ vướng thanh toán cho bệnh viện trong thời gian qua”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh. Bà Trần Thị Trang cũng cho biết, theo quy định mới, BHYT thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế... sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.

Đại diện cho cơ quan quản lý BHYT, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho rằng, việc chậm thanh toán chi phí BHYT là do vướng mắc giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh, chủ yếu liên quan đến chi phí vượt tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ.

Do vậy, quỹ BHYT không “nợ” chi phí khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế. Con số hơn 7.000 tỷ đồng trên là số tiền vượt tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT và chưa được quyết toán do chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Mong muốn triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị định 75/2023/NĐ-CP, với quan điểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở khám chữa bệnh và người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương tập trung rà soát, tổng hợp các phần kinh phí vượt tổng mức trong các năm 2019, 2020, 2022 và đảm bảo hoàn thành thanh quyết toán sớm nhất theo quy định.

Riêng với phần vượt của năm 2021, nhằm hỗ trợ tối đa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT có điều kiện thuận lợi để đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 để tháo gỡ khó khăn, kịp thời đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện với tổng số tiền là 4.326 tỷ đồng.

“Hiện nay, BHXH Việt Nam đang yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, tổng hợp, đánh giá, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi đang đôn đốc thực hiện, đảm bảo đến hết năm 2023 sẽ thực hiện thanh toán theo quy định”, ông Lê Văn Phúc khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, điểm quan trọng nhất của Nghị định 75/2023/NĐ-CP là bỏ tổng định mức thanh toán. Đây là nội dung mà các cơ sở y tế rất phấn khởi. Trước đây, các bác sĩ vừa phải tính toán phác đồ điều trị vừa phải cân đo, đong đếm để làm sao không vượt định mức bệnh viện giao. Việc này hết sức vất vả cho bác sĩ điều trị, vô hình trung ảnh hưởng đến chuyên môn.

Tin cùng chuyên mục