Thời gian qua, Bộ Công thương và các ngành chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý, rút phép một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp có sai phạm, mang tính lừa đảo. Thế nhưng, để chấn chỉnh việc này, Nhà nước cần bổ sung các quy định để điều chỉnh toàn diện ngay từ đầu, chứ không thể xử lý phần ngọn sau sai phạm như vừa qua. Do vậy, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định bổ sung các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Biến tướng…
Bán hàng đa cấp là mô hình kinh doanh được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới. Hình thức bán hàng này mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng. Thay vì nhà sản xuất phải trả 30%-40% chi phí quảng bá, tiếp thị, lưu chuyển thì với mô hình bán hàng đa cấp, doanh nghiệp không tốn chi phí quảng bá mà người tiêu dùng được chia hưởng phần này. Thế nhưng, mô hình bán hàng đa cấp về tới Việt Nam lại biến tướng khi doanh nghiệp buộc người bán hàng phải mua hàng bán lại, “ăn” qua nhiều cấp khiến giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng “đội” lên gấp nhiều lần. Rồi có một số doanh nghiệp lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để huy động vốn, lừa đảo… Do vậy, thời gian qua, Bộ Công thương, ngành công an đã phải vào cuộc chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, liên tục xử lý và rút giấy phép các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa đủ điều kiện hoạt động.
Trong đợt kiểm tra xử lý rốt ráo vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp bị rút giấy phép do chưa đủ điều kiện, giấy phép hết hiệu lực hoặc tự xin phá sản... Đến nay đã có khoảng 40 công ty đa cấp bị xử lý rút giấy phép hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về giấy phép theo quy định. Cụ thể, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh Phát (trụ sở chính ở 284A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, TPHCM); Công ty TNHH My Fortuna và Công ty cổ phần Queenet Quốc tế (ở Hà Nội) cũng bị cơ quan chức năng ra thông báo chấm dứt hoạt động do doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh và hoạt động không hiệu quả, không thu được lợi nhuận. Gần đây là Công ty cổ phần Nhượng quyền thương mại quốc tế G10 (số 4, ngõ 86/16 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Gano Excel Việt Nam (lầu 3, tòa nhà Lữ Gia Plaza, 70 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TPHCM) cũng bị Bộ Công thương thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Công thương, thời gian qua hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Trong số các vi phạm, phổ biến nhất là việc doanh nghiệp lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Trong đó, có cả doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp nhưng vẫn lén lút hoạt động để huy động người tham gia nhằm thu lợi bất chính.
Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh Phát vừa bị chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Ảnh: CAO THĂNG
Sẽ “siết” bán hàng đa cấp
Trước thực trạng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang có chiều hướng biến tướng khó lường, khó quản lý nên Bộ Công thương chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Trước mắt, Bộ Công thương yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP quy định về quản lý bán hàng đa cấp.
Được biết, tinh thần của nghị định sửa đổi lần này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp. Do vậy, dự thảo quy định minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp với các quy định rất cụ thể. Đó là yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của mình. Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Doanh nghiệp phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng nhằm bảo đảm quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền. Việc thanh toán hoa hồng, tiền thưởng phải thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng để minh bạch.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ mạng lưới bán hàng đa cấp. Sở dĩ có quy định này là do thời gian qua không ít doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới nhưng đến khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp thì doanh nghiệp đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian. Điều này khiến các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian nên không công bằng. Được biết, dự thảo nghị định sẽ được trình Chính phủ ngay trong tháng 3-2017.
CHẾ HÂN