Hiện nay, cả nước có trên 2.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và phân phối thuốc, cùng với gần 39.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Theo đánh giá của Cục Quản lý dược, đây là hệ thống phức tạp, có quá nhiều nhóm đối tượng tham gia. Đường đi của thuốc, từ nhà sản xuất tới người sử dụng phải qua không ít công ty trung gian, nhiều khâu lòng vòng khiến giá thuốc tăng cao và gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng...
Người bệnh phải “gánh” thêm nhiều nấc trung gian về giá thuốc.
Ít biến động
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá thuốc Việt Nam luôn đứng thứ 9 trong 11 nhóm hàng thiết yếu được thống kê của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư những năm qua. Mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm, y tế trong năm 2014 chỉ ở mức khoảng 1,7% - thấp hơn so với chỉ số giá tiêu dùng. Mặc dù, thời gian qua, giá thuốc trên thị trường phần nào đã được kiểm soát, hạn chế được tình trạng tăng giá đột biến hay sốt thuốc, nhưng thực tế giá thuốc của chúng ta vẫn ở mức khá cao. Thống kê mới nhất của Cục Quản lý dược cho thấy, bình quân tiền thuốc sử dụng của người dân Việt Nam đã đạt mức 31,18 USD/người/ năm - tăng 1,5 lần so với cách đây 5 năm. Tuy nhiên, con số thống kê này chỉ ở mức tương đối vì chưa tính một phần rất lớn tiền mua thuốc do người dân tự mua về dùng chưa thống kê được.
Trong khi đó, việc đấu thầu thuốc theo Thông tư liên tịch số 01/2012 đã góp phần giảm giá thuốc thông qua cơ chế đấu thầu công khai. Đặc biệt, tại nhiều địa phương cũng như nhiều bệnh viện đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng tiền thuốc, giúp người bệnh giảm được chi phí tiền thuốc khoảng 30%. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược thẳng thắn cho biết, số liệu thống kê của 41 bệnh viện và sở y tế trong năm qua cho thấy biệt dược gốc đấu thầu vào bệnh viện vẫn chiếm 38% tổng giá trị tiền thuốc của các bệnh viện và có trên 140 mặt hàng biệt dược gốc, thuốc ngoại có giá cao hơn trung bình 32,82%. “Đây là con số chúng ta cần phải suy nghĩ”, ông Cường chỉ rõ.
Nhiều trung gian
Có nhiều nguyên nhân tác động làm giá thuốc vẫn ở mức cao, như: thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu; phần lớn nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập ngoại; chưa sản xuất được nhiều loại thuốc đặc trị có giá trị cao; có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào việc nhập khẩu, phân phối và kinh doanh thuốc. Theo thống kê của ngành dược, cả nước hiện có 177 doanh nghiệp đạt GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc và được phép nhập khẩu), trên 1.900 doanh nghiệp đạt GDP (thực hành tốt phân phối thuốc và được phép bán buôn) và trên 39.000 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 10.000 nhà thuốc đạt GPP.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt có đặt ra mục tiêu ngành dược phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống phân phối thuốc, theo hướng cắt giảm tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá và chất lượng thuốc. Để thực hiện mục tiêu này, chiến lược đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng 5 trung tâm phân phối thuốc tại khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Hệ thống này được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm phân phối thuốc hiện đại sẽ được ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, ngành dược cũng đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa.
| |
TRUNG KIÊN