
Vùng biển hiền hòa ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi tạo nên những bãi nghêu chạy dài từ Tiền Giang sang Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu… Nghêu mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, là thế mạnh thủy sản của một số địa phương, tạo cuộc sống ổn định cho hàng chục ngàn dân nghèo ven biển. Mặt trái đáng lo ngại là tình trạng mất trật tự và khai thác vô tội vạ hủy diệt bãi nghêu.
- Mỏ nghêu- mỏ vàng !
Trên đường dẫn chúng tôi ra thăm bãi nghêu, anh Trần Văn Kiểng, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, xã Thừa Đức (Bình Đại, Bến Tre) tỏ ra tâm đắc khi giá nghêu thịt đang tăng lên từng ngày. Anh nói: “Hồi đầu vụ, giá nghêu chỉ 2.000-3.000 đ/kg, sau đó nhích dần lên từ 7.000-9.000đ/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có trong nhiều năm”. Giá nghêu tăng, thương lái kéo về các bãi nghêu thu mua đông nghẹt, nhưng nghêu cạn dần vì lúc này đã vào cuối vụ. HTX Thủy sản Đồng Tâm trúng đậm mùa nghêu, tổng doanh thu đạt gần 15 tỷ đồng.

Thu hoạch nghêu ở Bến Tre. Ảnh: H. LỢI
Trên 7.000 xã viên vui mừng vì mùa nghêu thắng lớn, ai nấy được chia lời cao hơn các năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, số HTX trúng lớn như Đồng Tâm không nhiều, do nguồn nghêu giống năm nay ít; một phần bị mất trộm nên không đủ số lượng thả nuôi.
Từ Bảo Thuận, chúng tôi sang An Thủy, Tân Thủy (huyện Ba Tri); rồi Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú)… tình hình cũng tương tự. Hầu hết các bãi nghêu đã cạn nguồn. Có hộ chờ nước ròng, rủ nhau ra bãi tìm bắt nghêu còn lại; mỗi ngày cũng được vài chục ngàn đồng.
Nghề nuôi nghêu có ở vùng biển Bến Tre hàng chục năm nay. Con nghêu trở thành tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng không những cho Bến Tre, mà nhiều tỉnh ven biển khác ở ĐBSCL. Nhờ đó, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn dân nghèo ven biển.
Từ khi con nghêu được thị trường châu Âu công nhận là sản phẩm “sạch”, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, nhu cầu chế biến xuất khẩu tăng vọt, thị trường mở rộng, nhiều lúc hút hàng không đủ cung cấp. Giá nghêu thương phẩm tăng lên và nhu cầu nuôi nghêu được mở rộng sang nhiều nơi khác. Từ đó, nẩy sinh ra tệ nạn trộm cướp nghêu tràn lan, gây mất trật tự và nguy cơ dẫn đến sự hủy diệt các bãi nghêu.
Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng các bãi nghêu Bến Tre xảy ra nhiều vụ trộm nghêu, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Dân trộm nghêu thường hoạt động theo con nước, bất kể ngày đêm; có lúc quy tụ từ 4.000-7.000 người ngang nhiên bắt sạch các bãi nghêu giống. Cán bộ bảo vệ sân nghêu và cả lực lượng công an bó tay, không cách nào ngăn nổi.
Tại bãi nghêu Gò Công Đông (Tiền Giang), đoàn “nghêu tặc” cả ngàn người, công khai bắt nghêu và đánh cả những ai ngăn cản. Chưa hết, nghêu tặc còn tấn công Ban quản lý bãi nghêu và đập phá trụ sở, bàn ghế, tài sản…
- Lập lại trật tự bãi nghêu
Tình trạng “nghêu tặc” công khai cướp nghêu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với những nông dân làm ăn chân chính, đồng thời tàn phá môi trường môi sinh, nguy cơ “xóa sổ” bãi nghêu. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, nghề nuôi nghêu phát triển mạnh ở nhiều nơi, dẫn đến nhu cầu con giống tăng cao. Lợi dụng việc này, thương lái kích giá nghêu giống từ 10.000-30.000đ/kg lên 60.000-100.000đ/kg, thậm chí cao hơn… làm cho nhiều người ùn ùn đi bắt nghêu giống bán kiếm lời.
Thứ hai, việc giao bãi nghêu tràn lan cho các tập đoàn, tổ sản xuất, công an, quân sự… dẫn đến sự chồng chéo, lấn cấn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Có nơi, việc ăn chia không đều, mờ ám về tài chính làm mất lòng nhau.
Cuối cùng không ai quản lý, bảo vệ, ai muốn làm gì cũng được. Thậm chí một số người nhận bãi nghêu nhưng không bảo vệ, mà quay lại bắt nghêu giống thu lời từ 200 – 500 ngàn đồng/ngày, bất chấp tài sản chung bị cạn kiệt.
Ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bến Tre thừa nhận: “Việc giao khoán cho tập đoàn, tổ sản xuất và nhiều ngành quản lý, khai thác bãi nghêu không còn phù hợp. Họ hoạt động yếu kém và bộc lộ nhiều bất cập, gây ra sự lộn xộn ở các bãi nghêu. Cộng thêm ý thức người dân chưa cao, nhiều người coi nghêu là của “trời cho”, ai bắt lúc nào cũng được. Để lập lại trật tự bãi nghêu, đưa vào hoạt động nề nếp, tỉnh kiên quyết sắp xếp lại tổ chức và hoạt động các bãi nghêu”.
Theo đó, Bến Tre mạnh dạn loại bỏ hình thức tập đoàn và thu lại những diện tích nghêu giao cho các ngành không có chức năng khai thác như công an, quân sự… tiến tới thành lập các hợp tác xã. 3 hợp tác xã mới thành lập ở huyện Ba Tri được đông đảo người dân tín nhiệm.
Anh Nguyễn Văn Dời vừa được bầu làm Chủ nhiệm HTX nghêu Tân Thủy phấn khởi: “Trước đây còn tập đoàn quản lý kém, không ai tin ai, hoạt động mang tính cá nhân không rõ ràng. Bây giờ lên HTX, mọi chuyện đã khác, tất cả hoạt động được bàn bạc thống nhất cả tập thể. Từng thành viên có ý thức bảo vệ tài sản chung, được lợi cùng hưởng nên ai cũng đồng tình”.
Theo anh Nguyễn Văn Tùy, Trưởng phòng Thủy sản huyện Bình Đại khẳng định: “Mô hình HTX là điều kiện tốt nhất để chấn chỉnh hoạt động các bãi nghêu. Thực tế, 2 HTX thủy sản Đồng Tâm và Rạng Đông là điển hình tiêu biểu.
Từ chỗ trộm cắp, đánh người, tàn phá bãi nghêu… nhưng khi thành lập HTX, mọi hoạt động dân chủ, thống nhất quan điểm quản lý, khai thác, công khai tài chính, chia lời hợp lý rõ ràng, nên mọi thành viên đều đề cao ý thức bảo vệ bãi nghêu giống. Cả Đồng Tâm và Rạng Đông hình thành một chân rết chặt chẽ, họ có hẳn đội bảo vệ 24/24 giờ, không để người lạ vào trộm nghêu. Đến kỳ thu hoạch có hẳn nhà máy đến thu mua tại chỗ.
Ngoài ra, 2 HTX còn giải quyết việc làm cho gần 14 ngàn lao động địa phương. Hàng năm, còn trích quỹ xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội”. Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Sau thời gian dài chưa quản lý chặt, hiện nay Bạc Liêu tiến hành quy hoạch các bãi nghêu. Trước mắt, đưa khoảng 2.000 ha nghêu vào hoạt động nề nếp. Theo phương châm thu lợi nhuận và đảm bảo môi trường phát triển lâu dài”.
Củng cố lại hoạt động các bãi nghêu đang được các tỉnh ráo riết thực hiện, trong đó mô hình giao khoán cho HTX tỏ ra phù hợp. Vấn đề là nâng cao ý thức của từng xã viên, đặc biệt chọn được chủ nhiệm HTX giỏi đủ sức khai thác và phát triển “mỏ nghêu” trù phú.
HUỲNH PHƯỚC LỢI