Chấn chỉnh môi trường du lịch - Tăng cường giám sát và chế tài

Giật giọc, chèo kéo, bán giá chặt chém… là những vấn nạn kéo dài của ngành du lịch. Những chuyện tưởng như nhỏ nhưng lại là nguyên nhân chính kiềm hãm sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Chấn chỉnh môi trường du lịch - Tăng cường giám sát và chế tài

Giật giọc, chèo kéo, bán giá chặt chém… là những vấn nạn kéo dài của ngành du lịch. Những chuyện tưởng như nhỏ nhưng lại là nguyên nhân chính kiềm hãm sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị chỉ đạo các cấp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch với nhiều giải pháp huy động tổng lực cùng thực hiện.

Chấn chỉnh từ cửa khẩu đến… cửa hàng!

Lâu nay, nhiều Việt kiều, khách du lịch đến Việt Nam than phiền bị làm khó ở cửa khẩu, bắt chờ đợi lâu, xin đểu… Do vậy, để nơi tiếp xúc đầu tiên tạo được thiện cảm, Thủ tướng chỉ đạo, du khách đến Việt Nam phải được tạo thuận lợi, đặc biệt là đơn giản hóa thị thực nhập cảnh. Bộ Công an phải đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu và sớm triển khai cấp thị thực điện tử.

Người bán hàng rong chèo kéo du khách mua hàng. Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ thị cũng chỉ rõ những tồn tại của ngành du lịch là công tác quản lý nhà nước một số nơi còn chưa nghiêm, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, môi trường du lịch chậm được cải thiện, sức cạnh tranh còn thấp; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Nguyên nhân được phân tích là do người đứng đầu chưa phát huy vai trò trách nhiệm của mình. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó phải kể đến vai trò của các hiệp hội chưa được phát huy. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Đó là tăng cường quản lý môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phải rà soát công tác quản lý các khu, điểm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo kỹ cương, văn minh lịch sự.

Cụ thể, từng tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, bán hàng tại các khu du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật. Đó là niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết, chấm dứt tình trạng bán giá chặt chém du khách. Riêng đối với doanh nghiệp lữ hành, nếu không thực hiện đúng chương trình đã cam kết với khách hàng, không đảm bảo chất lượng dịch vụ thì phải bị xử lý kịp thời, kể cả việc bị tạm ngừng kinh doanh hoặc bị đề nghị rút giấy phép kinh doanh. Taxi, các phương tiện vận tải du khách kinh doanh không phép, không niêm yết giá, thu cước không theo giá đã niêm yết phải được xử lý triệt để. Thậm chí xử lý luôn tổ chức, cá nhân đã tiếp tay, bao che để chủ taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép trên địa bàn.

Gắn với trách nhiệm từng tổ chức

Thủ tướng giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải tổ chức kiểm tra thường xuyên và chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn, gây bức xúc cho khách du lịch; kịp thời xử lý các đối tượng đeo bám, gây phiền hà du khách. Trước hết là xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, gây mất vệ sinh, mất trật tự, cản trở lối đi bộ của hành khách. Chính quyền phải chịu trách nhiệm xử lý, không để người ăn xin lang thang ở các khu, điểm du lịch, xử lý triệt để tình trạng giả danh người ăn xin gây phiền hà cho du khách.

Thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng của mình, Thủ tướng buộc các ban quản lý, các chủ điểm, khu du lịch phải công khai số điện thoại và các bộ phận có chức năng trực 24/24 giờ để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của hành khách. Lập sổ theo dõi, thống kê các sự việc đã xử lý để rút kinh nghiệm và báo cáo cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tuyên truyền vận động người dân chung tay cải thiện môi trường tại nơi công cộng, bãi biển, giữ gìn vệ sinh chung và đấu tranh, tố giác các vi phạm về vệ sinh, môi trường. Xử lý các điểm dừng chân, cơ sở du lịch không đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, các cấp chính quyền cùng phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch. Xây dựng phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch” và tuyên truyền sâu rộng trong từng địa phương.

Đây là lần đầu tiên một văn bản chỉ đạo phát triển du lịch được quy định chi tiết và cặn kẽ như vậy. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo rằng, dù chỉ thị chỉ đạo rất rõ, nhưng nếu không có chế tài đối với người đứng đầu thì hiệu quả sẽ chỉ dừng ở mức… kêu gọi!

THẢO NHI

Tin cùng chuyên mục