Chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028: Hình thành lớp nông dân giàu có và năng động

Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018- 2023) trình Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) đánh giá, trong 5 năm qua, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta đã có rất nhiều thay đổi, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới.

Thuận lợi nhiều, khó khăn cũng không ít

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định là lợi thế quốc gia, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng tài chính, khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến nay, sản xuất nông nghiệp đã phát triển cả về quy mô và trình độ, từng bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Xuất khẩu nông nghiệp tăng nhanh cả sản lượng, giá trị, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác.

y1b-2930.jpg
Gạo của nông dân ĐBSCL xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: HOÀNG THẠCH

Theo số liệu của Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay nông dân vẫn là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước và chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn (hơn 9,1 triệu hộ nông dân). Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, giai cấp nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, đã phát huy tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới; tích cực phát triển trang trại, liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn. Trình độ của nông dân ngày càng được nâng cao, đời sống, thu nhập và việc làm không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn những mặt hạn chế, tồn tại nhiều khó khăn, thách thức mới. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, nông dân còn thiếu việc làm dẫn đến “ly nông”, “ly hương”. Nông thôn phát triển chưa đồng đều, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ.

Đánh giá những kết quả đạt được, cũng như đề xuất nhiệm vụ thời gian tới, ông Lương Quốc Đoàn cho rằng, các cấp hội nông dân cần thể hiện tốt hơn vai trò tập hợp và hỗ trợ nông dân trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, tổ chức hội nông dân cần đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản…

Kỳ tích 3,6 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, một trong những điểm nổi bật của nhiệm kỳ 2018-2023 là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Thông qua phong trào của Hội Nông dân Việt Nam phát động, đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đến nay cả nước đã có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

y3c-2998.jpg
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: VINH HIỂN

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút nông dân tham gia. Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng. Nhờ đó, trên 108.000 hộ nông dân đã thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, trong 5 năm qua, vai trò của các cấp hội nông dân rất lớn. Trong đó, cần phải kể đến vai trò quan trọng của Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội Nông dân chủ trì. Trong 5 năm, tăng trưởng của Quỹ hỗ trợ nông dân là 1.761 tỷ đồng, nâng tổng nguồn quỹ toàn hệ thống hội đến nay đạt 4.827 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của hội, những năm qua, các cấp hội còn tích cực tín chấp hỗ trợ hàng triệu nông dân vay vốn của các tổ chức tín dụng với trên 170.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Bên cạnh đó là các hoạt động thể hiện vai trò của hội như tổ chức đào tạo nghề cho nông dân. Mỗi năm có trên 110.000 nông dân được dạy nghề, trong đó hơn 80% có việc làm, thu nhập ổn định, giới thiệu việc làm cho trên 20.000 nông dân. Hàng năm, các cấp hội còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho trên 11,8 triệu lượt hội viên, vượt 39,24% so với chỉ tiêu Đại hội VII. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 12.927 mô hình điểm, tổ chức các CLB khoa học kỹ thuật nhà nông, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào sản xuất. Hội còn tham gia hỗ trợ nông dân tại nhiều địa phương xây dựng 5.003 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, mở cơ hội liên kết sản xuất chuỗi, nâng cao giá trị nông sản.

Tin cùng chuyên mục