Cuộc thi lần VI tại TPHCM

Chắp cánh cho ước mơ bay xa

Chắp cánh cho ước mơ bay xa

Cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” do Báo SGGP và Sở GD - ĐT TPHCM tổ chức với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential không chỉ âm thầm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn văn trong nhà trường, mà còn muốn hướng đến mục tiêu lớn hơn: đào tạo những thế hệ thanh thiếu niên sống có lý tưởng hoài bão cao cả giúp ích cho xã hội.

  • Sôi động qua những lần thi

Không ai bắt buộc, cũng không mang áp lực “thành tích” nhưng 21 “tuyển thủ” của 7 trường THCS của huyện Cần Giờ TPHCM gần như có mặt đầy đủ để bước vào vòng thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần VI cấp huyện. Nhiều HS từ xã Bình Khánh, Lý Nhơn phải vượt đường xa hơn 40km và phải “lên đường” sớm hơn 1 ngày, nhưng các em vẫn tự tin bởi chủ đề dự thi gần như đã nằm đâu đó trong máu, trong tim chỉ đợi đến khi được khơi gợi để tuôn trào.

Chắp cánh cho ước mơ bay xa ảnh 1

Quang cảnh cuộc thi cấp thành phố.

Dẫu đó là trưa thứ bảy hay sáng chủ nhật, dẫu có là những quãng đường xa trên chục kilômét các phụ huynh vẫn không quản ngại chở con đến dự một cuộc thi mà ở đó, con họ được nói lên những cảm xúc rất thật về quê hương, về ông bà, cha mẹ… Bởi theo họ, đó là một cuộc thi “rèn chữ, rèn người”.

Thế đó, vào tuổi lên 6, cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” ngày càng nhận được sự tin yêu của PHHS cũng như tạo được tiếng vang trong dư luận xã hội.. Thời gian khít khao bắt buộc các quận 3, Thủ Đức, Bình Tân; các huyện Nhà Bè, Bình Chánh… phải tổ chức vào ngày nghỉ cũng không làm các bậc phụ huynh phiền lòng.

Bất chấp những khó khăn, thí sinh tham dự cuộc thi ngày càng đông. Sơ kết vòng thi cấp quận-huyện cho thấy, “Prudential - Văn hay chữ tốt lần VI” năm 2005 trở thành cuộc tranh tài gay cấn với 300.000 thí sinh đến từ 24 quận-huyện của TP dự vòng sơ kết. Ở 5 lần tổ chức trước, cuộc thi thu hút 300.000 lượt thí sinh TPHCM. Năm nay, cuộc thi cũng mở rộng đến 12 tỉnh- thành đồng bằng sông Cửu Long, chắp cánh cho HS miền Tây bày tỏ cảm xúc của mình về tình yêu gia đình, thầy cô, đất nước.

  • Trưởng thành từ cuộc thi

Những bài văn “rợn tóc gáy” của nhiều “sĩ tử” thi vào đại học vừa rồi cho kết quả điểm môn văn thấp lè tè lại một lần nữa gióng hồi chuông báo động rằng, còn không ít HS xem nhẹ môn văn. Trách nhiệm càng đè nặng lên vai Ban tổ chức. Nhiều năm qua, ban giám khảo vòng 2 cuộc thi ở các quận, huyện đã chọn lựa những dạng đề thi có tính chất gợi mở, gần gũi với cuộc sống, tạo điều kiện để các em HS phát huy tình cảm dành cho gia đình, trường lớp, quê hương.

Đó cũng có thể là những cảm xúc về những điều bình thường, giản dị nhất hay những khám phá, sáng tạo của bản thân các em. Trong 90 phút, các thí sinh quận 1 đã làm bài luận có nội dung: “Trong cuộc sống, học tập cũng như đời thường, em yêu quý, trân trọng điều gì nhất.

Hãy nói, kể với người mà em gần gũi, gắn bó về điều ấy”. Ở quận 8 là đề tài : “Hãy tả một cảnh đẹp mà em đã gặp trong kỳ nghỉ hè vừa qua (có thể là phong cảnh nghỉ mát, hoặc cánh đồng, rừng núi nơi quê em)…”…

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc, chuyên viên bộ môn Văn của Sở GD-ĐT, kết quả của những cuộc thi trong những năm qua cho thấy, những đề gợi mở đã giúp các em bộc lộ hết cảm xúc của mình –điều mà hầu như các em rất ít có cơ hội để bộc lộ- làm cho bài văn xúc động thật sự, từ đó các em sẽ cảm thấy yêu thích bộ môn Văn nhiều hơn.

Thầy Võ Văn Khẩn, Phó phòng Giáo dục huyện Cần Giờ, nhận xét: “Huyện nghèo miền duyên hải chưa có thí sinh nào đoạt “vòng nguyệt quế” của cuộc thi. Tuy nhiên, “Prudential – Văn hay chữ tốt” đích thực đã khơi dậy được phong trào rèn văn, luyện chữ sôi nổi trong nhà trường.

Nếu như ở kỳ thi năm trước, giám khảo còn buồn lòng khi một số thí sinh nhỏ tuổi có chữ chưa tốt, hành văn còn lạc đề thì trong vòng thi cấp huyện “Prudential Văn hay chữ tốt” lần này, chữ các em đẹp hơn, lời văn sáng láng hơn”.

Nhấn mạnh hiệu quả “đo được, thấy được” của cuộc thi, cô Hà, chuyên viên môn văn Phòng Giáo dục huyện Củ Chi, nói: Mỗi năm chúng tôi đều thấy có một sự tiến bộ rõ rệt. Ngay từ đầu năm học, phòng giáo dục đã chỉ đạo các trường có kế hoạch tham dự cuộc thi Prudential – Văn hay chữ tốt lần VI một cách chu đáo và nghiêm túc. Chúng tôi không gò ép mà muốn các thí sinh viết văn bằng những cảm xúc chân thật và trong sáng.

“Nhiều thí sinh không đoạt giải cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” nhưng qua cuộc thi, các em đã trưởng thành hơn và bộc lộ năng khiếu cảm thụ văn học của mình. Từ đó, các em được thầy cô bồi dưỡng sở trường và đoạt giải HS giỏi văn cấp quận, cấp thành” - lãnh đạo các phòng giáo dục đã khẳng định như thế.

Cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần VI tại TPHCM đã khép lại bằng đề thi “Em hãy viết về ước mơ cho thành phố thân yêu của mình”, BTC phấn khởi khi đã có những bài thi mà ở đó HS mạnh dạn bày tỏ những tình cảm phong phú, trí tưởng tượng, hoài bão, lý tưởng của các em vươn lên tầm cao của cuộc sống hiện nay, như lời kỳ vọng của GS Hoàng Như Mai khi “Prudential – Văn hay chữ tốt” ở tuổi lên 3. 

HỒNG THẢO

Tin cùng chuyên mục