Chặt đứt vòng lẩn quẩn!

Trong điều kiện của cuộc sống hiện đại, tác phẩm điện ảnh càng giữ chỗ quan trọng trong đời sống tinh thần, tình cảm cũng như nhận thức thẩm mỹ của đông đảo công chúng. Qua thời gian dài, những người làm phim Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phát triển nền điện ảnh dân tộc - một nền nghệ thuật đặc trưng thu hút rất nhiều nhân lực, vật lực, tài lực quốc gia. Nhưng tiếc thay, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi, cho dù trong nhiều thập niên qua, giới làm phim không ngớt đau đáu mục tiêu gia tăng số lượng cũng như giá trị tác phẩm; và cho dù sự hợp lực giữa lực lượng nhà nước với lực lượng ngoài nhà nước đã diễn ra thành công từ không ít năm qua.

Vậy có điều gì bất thường đang diễn ra ở đây?

Thực trạng hoạt động điện ảnh nước ta, như đã được làm rõ nhiều lần - sở dĩ chưa thể khởi sắc là do, trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân quan trọng, là mối quan hệ mật thiết giữa hai lĩnh vực sản xuất phim với phát hành phim đã bị phá vỡ từ nền tảng. Về tổ chức bộ máy, từ lâu hai lĩnh vực trên đã bị tách rời thành hai hệ thống hoạt động riêng biệt, gần như quay lưng lại nhau.

Về điều kiện hoạt động, trong khi ngành sản xuất phim lẻ loi bươn chải bằng các nguồn vốn rất hạn hẹp, thì ngành phát hành phim đã sụp đổ trong thực tế - bởi đã để vuột khỏi tay “mảnh đất sống” duy nhất của mình là thị trường chiếu phim. Không có rạp, không có phim; dù có chức năng, cũng phải bó tay! 

Không hoàn toàn giống như các loại thị trường khác, thị trường điện ảnh vừa là nơi kinh doanh phim ảnh; lại vừa là môi trường  góp phần quan trọng bồi bổ nhận thức chân - thiện - mỹ, hoàn thiện nhân cách và nâng cao trình độ thẩm mỹ cho con người. Nói cách khác, đó là lãnh địa góp phần trọng yếu định hình và định hướng một cách tinh tế tâm hồn con người, nhất là với lớp người trẻ. Buông lơi thị trường điện ảnh vô ý thức như hiện nay chẳng những bóp chết ngành phát hành phim, mà còn trực tiếp giết chết ngành sản xuất phim - vì phim sản xuất ra không có nơi tiêu thụ phù hợp.

Ở một khía cạnh khác, khi phim sản xuất ra bị ế đọng, thiệt hại lớn về kinh tế sẽ trở thành xung lực kiềm hãm khả năng tái sản xuất phim, dẫn tới làm giảm số lượng cũng như chất lượng tác phẩm. Và dĩ nhiên, khi với một số lượng phim ít ỏi, được chế tác kém chất lượng do thiếu “nội lực”, thì dễ dàng bị thị trường từ chối… Chu trình này đã trở thành một vòng lẩn quẩn trong tiến trình sản xuất - phát hành phim ở nước ta!

Hiện nay, hầu hết các hệ thống rạp chiếu phim hiện đại ở Việt Nam đều nằm trong tay các liên doanh có nguồn gốc nước ngoài cùng một ít tư nhân trong nước. Ở đó, phim giải trí bom tấn nước ngoài chiếm chỗ thượng phong; còn phim Việt Nam nói chung, phim Việt Nam có nội dung, chủ đề cần đưa đến người xem nói riêng thì luôn phải bị động, vất vả “xin” được vào rạp - mà kết quả là phần lớn bị “bật” ra ngoài hoặc bị cắt ngắn thời gian chiếu, vì không đáp ứng được sự đòi hỏi của chủ rạp. Thực tế và quy luật khách quan cho thấy, hiếm có chủ thể kinh doanh nào tự nguyện buông bỏ lợi ích cạnh tranh, khi điều đó đang tiến triển thuận lợi đối với họ.

Với 90 triệu dân, thị trường điện ảnh Việt Nam cho thấy là một thị trường có tiềm năng to lớn, đã đạt mức doanh thu phòng vé năm 2012 gần 1.000 tỷ VNĐ so với mức 140 tỷ VNĐ vào năm 2008, và có tốc độ phát triển nhanh - đạt tới 614% trong số 13 thị trường điện ảnh phát triển sôi động nhất thế giới, trong đó Indonesia có mức tăng kế cận là 171%. Tiềm năng này đang đặt ngành phát hành phim và chiếu bóng Việt Nam trước những triển vọng cùng thách thức lớn.

Để chặt đứt vòng lẩn quẩn nói trên, để khôi phục sức sản xuất phim cũng như khả năng chủ động phát hành phim, đưa nghệ thuật điện ảnh nước nhà vào quỹ đạo phát triển như mong muốn; cần gấp rút chăm lo củng cố và mở rộng thị trường điện ảnh bằng một chiến lược kịp thời, bài bản, khoa học, phù hợp nhu cầu cũng như quy luật khách quan - trong đó cần hoạch định để hệ thống phát hành nhà nước hoặc tập thể trong nước chiếm một thị phần đủ sức chủ động điều chỉnh vĩ mô, bên cạnh sự phân chia hợp lý thị phần còn lại đối với các thành phần ngoài nhà nước, cho tư nhân trong nước cũng như cho nước ngoài.

Buông lơi thị trường điện ảnh là đánh mất quyền chủ động phổ biến phim ngay trên lãnh thổ của mình, chắc chắn sẽ gây thiệt hại sâu xa và lâu dài đối với công chúng.

PGS-TS TRẦN LUÂN KIM

Tin cùng chuyên mục