Chất keo gắn kết người dân trong khu phố

Những ngày này, tại các khu dân cư trên khắp cả nước đều diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong không khí ấm áp, nghĩa tình. Đến đây, không khó để bắt gặp những nụ cười rạng rỡ của những người lao động sau một ngày làm việc vất vả.

Có anh công nhân xin đổi ca làm để kịp về dự chương trình tại địa phương mình và đón nhận những món quà ấm áp, nghĩa tình. Có ông chủ tiệm nhờ người thân trông hàng giúp vài tiếng để đến ngày hội nhận sự biểu dương trước nhân dân vì đã có nhiều đóng góp làm nên con hẻm khang trang sạch đẹp hơn. Có gương mặt tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, cùng những điển hình khác đóng góp có hiệu quả các phong trào tại địa phương mình. 

Từ năm 1997, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11). Suốt 22 năm qua, đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 11, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại diễn ra ở hơn 110.000 khu dân cư trên khắp cả nước. 

Ngày hội trở thành cơ hội để những người dân sinh sống trong một cộng đồng dân cư được gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò, cùng góp ý cho công việc chung tại địa phương mình để ngày một tốt hơn. Hoạt động này ngày càng có ý nghĩa khi nó trở thành chất keo gắn kết những người dân trong địa bàn dân cư xích lại gần nhau, giúp tình làng nghĩa xóm nơi phố thị được thắt chặt. Ý nghĩa là vậy đối với những địa phương thực hiện công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có trọng tâm, trọng điểm đi vào thực chất. Tuy nhiên, tại không ít nơi, công tác tổ chức ngày hội đoàn kết còn hình thức, sơ sài, nặng về các báo cáo chung chung, dài dòng khiến người dân tham dự ít nhiều ngán ngẩm. Cũng không hiếm những nơi ngày hội diễn ra buồn tẻ, người dân tham gia toàn cán bộ khu phố, mặt trận hoặc ông già bà cả mà không thấy bóng dáng thanh niên tham dự.  

Dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng bà con khu phố 1, phường 12, quận 4, TPHCM mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã lưu ý các cấp mặt trận tăng cường vai trò giám sát và thường xuyên lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đề xuất với Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ phường giải quyết kịp thời, góp phần củng cố lòng tin của dân với Đảng, với Nhà nước. 

Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở ấp 2 (xã Long Thới, huyện Nhà Bè), khi được hỏi ý kiến, nhiều cánh tay đã giơ lên. Người góp ý về việc không nên mở nhạc lớn quá khuya để người già nghỉ ngơi, con trẻ học bài; người góp ý là có hộ dân vẫn chưa nghiêm túc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, vẫn còn xả rác... Những ý kiến này cần phải được nghiêm túc tiếp thu và lưu tâm. Bởi đó là những vấn đề thiết thân gần gũi nhất trong đời sống hàng ngày của bà con.

Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu phố, ấp TPHCM gắn với sơ kết một năm thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Cùng với nhau, nhiều khu phố, ấp đã xóa được các điểm đen về rác thải. Như ở quận 7, khu phố vận động dân lắp hai camera trong hẻm, từ đó không còn ai lén mang rác ra đổ nữa. Ở huyện Nhà Bè, con rạch ô nhiễm lâu năm nay được người dân trong ấp phối hợp với đoàn thanh niên và các đoàn thể trong xã, huyện đã vớt rác, khơi thông dòng chảy và giờ đang bàn cách tự quản làm sao để giữ cho rạch được sạch mãi.

Giờ đây, trước những cơ hội, thách thức để đưa đất nước phát triển thì đòi hỏi tinh thần đoàn kết, hiệp lực càng phải được nhân lên, có thể bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ ở địa bàn dân cư. Khi các tầng lớp nhân dân đều thấy được mình trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thấy tiếng nói của mình được lắng nghe, thấy những việc làm của mình được ghi nhận…, thì đấy chính là nền tảng để phát huy sức mạnh.

Tin cùng chuyên mục