Học xong lớp 10/10, thay vì thi vào đại học thì Lý Văn Huỳnh (quê ở Hoài Đức, Hà Tây, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) lại xung phong đi bộ đội. Nhập ngũ đầu năm 1972, đến cuối năm anh có mặt ở chiến trường Đồng Tháp Mười trong đội hình lính bộ binh…
Sống và chiến đấu tại chiến trường miền Nam đỏ lửa, anh tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt và cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội. Thấy anh nhanh nhẹn, thông minh và có trình độ học vấn cao, cán bộ chỉ huy chọn anh sang làm lính trinh sát. Trong thời gian làm lính trinh sát anh nhớ nhất kỷ niệm một lần cùng đồng đội đi trinh sát đồn địch, hễ cứ nhô lên khỏi nóc hầm là bị địch bắn xối xả, cái chết ập đến chỉ trong tích tắc, nhưng thấy cán bộ chỉ huy (là một anh sinh viên đại học ngoại ngữ còn rất trẻ đi bộ đội) vẫn bình thản, lạc quan, xem thường cái chết khiến anh như được tiếp thêm sức mạnh xông lên phía trước…
Trận đánh đó quân ta chiếm được đồn địch, nhưng kỷ niệm về tinh thần thép, lòng dũng cảm của đồng đội trong chiến đấu truyền lửa sang anh. Chẳng thế mà sau thời gian làm lính trinh sát khá xuất sắc, anh được chỉ huy chọn sang làm lính trinh sát kỹ thuật là lĩnh vực đòi hỏi người lính phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng tin Đảng tuyệt đối và trình độ học vấn cao để chắt lọc những thông tin đắt giá nhất giúp quân ta chủ động đánh thắng địch.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh tiếp tục cầm súng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Anh có mặt trong đội quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Sống chiến đấu tại vùng biên giới Hà Tiên nhiều năm liền nên sau chiến thắng biên giới, anh kết duyên cùng cô gái người Hà Tiên rồi ở lại gắn bó với mảnh đất này cho đến hôm nay. Ở Hà Tiên, anh tham gia công tác quản lý Nhà nước và công tác Đảng, đoàn thể suốt mấy chục năm trời. Ở lĩnh vực công tác nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên được mọi người tin yêu, quý trọng.
Với gần 30 tuổi Đảng, anh đã từng được bầu làm Huyện ủy viên huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang và nhiều chức vụ khác trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Mặt trận huyện… Từ năm 2003 đến nay, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kiên Lương, tập hợp hơn 1.000 CCB của huyện tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Nhận xét về anh, nhiều CCB cũng như cán bộ, nhân dân trong vùng đều tự hào, tấm tắc: đảng viên mang chất lính không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực cống hiến sức mình cho dân, cho nước và cho sự nghiệp chung…
Ngọc Lan