Chất lính trên thương trường

Cùng với huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ các công ty, đoàn kinh tế quốc phòng của Quân khu 7 cũng đi đầu trên mặt trận kinh tế, sản xuất kinh doanh. Những người lính “doanh nhân” không chỉ làm kinh tế giỏi, mà luôn hướng về cộng đồng bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thăm Công ty CP Dệt may 7 (thuộc Công ty Đông Hải)
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thăm Công ty CP Dệt may 7 (thuộc Công ty Đông Hải)

Vượt lên chính mình

Từ những ngày đầu thành lập, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã tổ chức tăng gia, sản xuất để lo thực phẩm, quân trang, vũ khí phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tiếp bước truyền thống đó, các công ty, đoàn kinh tế quốc phòng Quân khu 7 như Công ty TNHH MTV Tây Nam (Công ty Tây Nam), Công ty TNHH MTV Đông Hải (Công ty Đông Hải) và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Lâm Đồng… luôn sát cánh cùng các đơn vị chiến đấu chủ lực, sản xuất hàng hóa phục vụ quân đội và xây dựng khu kinh tế mới, nâng cao đời sống người dân nơi biên giới, khu vực trọng yếu của đất nước.

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, phẩm chất “Người lính Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế một lần nữa tỏa sáng, khi các công ty, đoàn kinh tế quốc phòng không những duy trì sản xuất, kinh doanh có lãi, mà còn chung sức cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phòng chống dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn, dù vậy, Công ty Tây Nam vẫn vững vàng đi lên, những người lính Cụ Hồ đã vượt lên chính mình. Các đơn vị thành viên của công ty tổ chức sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu đảm bảo dòng xăng dầu nhập khẩu thông suốt. Công ty cảng ICD chủ động mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ, tăng cường tiếp thị để thêm thị phần, khách hàng. Đơn vị duy trì quan hệ với các hãng tàu, nâng cao hiệu suất luân chuyển giao nhận container để tăng sản lượng doanh thu. Công ty Kho vận xăng dầu có phương án chủ động trong sự biến động của xăng dầu thế giới. Những chỉ đạo sâu sát, kịp thời mang tính thời chiến của chỉ huy công ty đã kịp thời lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tương tự, trong những ngày tháng phòng chống dịch Covid-19, tại Công ty CP Dệt may 7 - đơn vị chuyên sản xuất quân trang phục vụ quân đội, máy móc hoạt động hết công suất, cán bộ, nhân viên làm việc không nghỉ.

Theo Đại tá Lại Thị Bảy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 7, đơn vị cụ thể hóa các mô hình thi đua của quân khu đến từng đảng viên, người lao động: “Cán bộ đảng viên dìu đắt cấp dưới và quần chúng”, “Chi bộ 5 tốt, đảng viên 5 tốt”, “Chi đoàn 4 tốt, 1 nghiêm”… Cách làm và tinh thần đó đã giúp công ty đứng vững trong đại dịch. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh thu của đơn vị  đạt 830 tỷ đồng, nộp ngân sách 45 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ), thu nhập bình quân của người lao động đạt 13,2 triệu đồng/tháng, đạt 103% kế hoạch. Năm 2022, hoạt động kinh doanh của công ty tiếp tục khá hơn.

Chốt tại khu vực biên giới, các địa bàn chiến lược, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Lâm Đồng, cùng người dân chung sức phát triển kinh tế, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Các đoàn kinh tế quốc phòng xây dựng các dự án phát triển kinh tế, tổ chức các lớp khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt chăn nuôi cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.

"Công ty CP Dệt may 7 có đội ngũ cán bộ, nhân viên tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại được đầu tư mới. Sản phẩm làm ra đủ sức hội nhập và cạnh tranh trên thị trường" -Trung tướng Trần Hoài Trung Chính ủy Quân khu 7.

Hướng về cộng đồng

Các cán bộ, chiến sĩ trong những công ty, đoàn kinh tế quốc phòng của Quân khu 7 không chỉ năng động, đầy bản lĩnh trên “mặt trận” kinh tế mà còn tham gia tích cực các phong trào, hoạt động từ thiện xã hội. Nổi bật là các công ty đã đóng góp kinh phí phòng chống dịch Covid-19 và giúp người dân ổn định đời sống. Công ty Đông Hải trao 2,5 tỷ đồng, Công ty Tây Nam trao 5,7 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch...

Trong các chương trình lớn của Quân khu 7 (điển hình là xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, nhà đồng đội), cán bộ, nhân viên các công ty luôn nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện. Dấu chân người lính doanh nhân đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành, đến với từng buôn làng, đồng đội đang gặp khó khăn về nhà ở.

Công ty Đông Hải phối hợp Sư đoàn 5 (Quân khu 7) trao nhà tình nghĩa cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; trao nhà tình nghĩa cho ông Lê Văn Cộng ở ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh… Dù trong năm 2021, điều kiện sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nhưng Công ty Tây Nam đã đóng góp xây dựng 21 căn nhà đồng đội, tình nghĩa, tình thương với tổng giá trị 8,3 tỷ đồng, vượt 6 căn so với kế hoạch.

Đối với người dân huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 đã trở thành “người thân”. Đoàn đã hoàn thành nhiều dự án kinh tế gắn với quốc phòng trên địa bàn trọng điểm, tại các xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa và Phú Văn. Cán bộ, chiến sĩ của đoàn mở lớp đào tạo nghề cho hàng ngàn thanh niên đồng bào dân tộc S’Tiêng, nhờ đó nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định. Đoàn cũng xây dựng 2 khu định cư cho đồng bào dân tộc với 144 căn nhà, tạo nơi sinh sống cho hơn 1.000 nhân khẩu.

Tin cùng chuyên mục