Chất lính trong thời bình

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, những người lính năm xưa nay cũng ở tuổi xế chiều. Có những người dành cả tuổi trẻ trên chiến trường rực lửa, khi hòa bình lập lại, họ không ngừng cống hiến cho địa phương, xây dựng đất nước.

Trả ơn cuộc đời

“Hỏi bất chợt nên cô không nhớ hết mình giữ những vai trò gì ở địa phương. Từ Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi phường, Tổ dân phố, Tổ an ninh trật tự…, việc gì người dân cần là cô tham gia. Chất lính ngấm sâu vào người rồi, giờ ngồi yên đâu được”, bà Nguyễn Thị Bích Lương, cựu chiến binh (CCB) phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, chia sẻ.

Bà Lương tham gia đội nữ du kích tại quê hương Thái Bình khi vừa tròn 18 tuổi. Hơn 10 năm cầm súng bảo vệ quê hương, đào hào, đắp bệ súng, lo lương thực cho bộ đội đã trui rèn bà thành một phụ nữ mạnh mẽ. Rời quê theo chồng vào miền Nam công tác, bà làm việc tại Nhà khách Hải quân thuộc Quân chủng Hải quân. Đến khi về hưu, bà Lương lại tất bật với công việc khu phố. 

Ở tuổi 78, bà Lương tự hào với hoạt động của nhóm thiện nguyện do bà khởi xướng khi vừa nghỉ hưu. Hơn 20 năm qua, bà miệt mài với những chuyến đi để chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh, những địa chỉ cần giúp đỡ ở nhiều tỉnh lân cận cũng như quan tâm chăm lo những trường hợp khó khăn trong khu phố. Bà Lương nói, tuổi trẻ trải qua quá nhiều cơ cực nên khi có điều kiện, bà muốn được giúp đỡ nhiều người. 

Còn đối với thương binh Trang Hồng Châu, Chủ tịch Hội CCB phường 6, quận 8, TPHCM, Chủ tịch Hội Đông y quận 8, việc khám, điều trị, phát thuốc miễn phí cho người nghèo đã trở thành công việc mà nhiều năm qua ông cần mẫn thực hiện.

Ngoài thăm khám người nghèo định kỳ thứ bảy hàng tuần tại phòng khám của Hội Đông y quận 8, gần 10 năm qua, ông Châu vận động hội viên và nhà tài trợ ủng hộ đông dược, nhu yếu phẩm trị giá hơn 12,5 tỷ đồng để tổ chức 30 lần đi khám bệnh người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Chất lính trong thời bình ảnh 1 Cựu chiến binh Trang Hồng Châu (bìa phải) khám bệnh cho người nghèo tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM

Ông Châu chia sẻ, ông tham gia bộ đội địa phương tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1973, trong một trận đánh, ông bị thương bởi 6 viên đạn, tỷ lệ thương tật 61%. May mắn hơn nhiều đồng đội là còn được sống, được làm việc nên ông xem việc chăm lo người dân khó khăn, đóng góp công sức xây dựng địa phương là cách trả ơn cuộc đời.

Những người dân trong hẻm 1678 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, vẫn nhớ hình ảnh ông Châu trong vai trò Bí thư chi bộ khu phố, với một chân bị tật, mấy năm trời “cắm chốt” ở hẻm để vận động người dân không sử dụng, tàng trữ, buôn bán ma túy. Hẻm 1678 Phạm Thế Hiển có khoảng 50 hộ dân nhưng thời điểm đó, hầu như gia đình nào cũng có người thân liên quan đến ma túy nên công tác vận động người dân rất khó khăn.

Thế nhưng, ông đã kiên trì tiếp cận, vận động họ tham gia lực lượng nòng cốt, khuyên can người thân không sử dụng ma túy và đi cai nghiện. Cùng với sự hỗ trợ của lực lượng công an và các đoàn thể địa phương, gần 5 năm bền bỉ, ông Châu đã góp phần giúp con hẻm trở lại cuộc sống bình yên.

Góp sức lo việc chung

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Chính phủ phát động “chống dịch như chống giặc”, dù đã có nhiều năm cầm súng đánh giặc nhưng bản thân ông Châu có chút lo lắng, vì ở “trận chiến” này mình không hiểu địch. Dù vậy, ông vẫn cùng các thành viên Hội Đông y quận 8 lăn xả trên “chiến trường” chống dịch một cách can trường, như chính thời thanh xuân cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Ông Châu nói: “Mình là người lính, là một đảng viên thì phải luôn tiên phong. Dù hiểm nguy là có, khó khăn là có nhưng điều đó không làm vơi đi ý chí của những người lính già chúng tôi”.

Bản thân ông vừa tham gia tiếp nhận nguồn thuốc, ngày đêm phân loại, chia thuốc thành các túi thuốc điều trị F0; lên toa, hướng dẫn sử dụng và đi trao túi thuốc tận tay người bệnh; vừa hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà. Hơn 10.000 túi thuốc cứ thế qua tay ông Châu và cán bộ địa phương đến với người dân mắc Covid-19. 

Dịch bệnh cũng đưa bà Lương trở về với vai trò của một nữ du kích ngày trước. Bà không chỉ bảo vệ bản thân và gia đình, mà còn chung tay giải quyết những những khó khăn, thiếu thốn của địa phương, chăm lo cho người dân. “Lúc dịch bắt đầu lây lan mạnh, lãnh đạo quận cho biết đang rất thiếu găng tay y tế, nhờ tôi xem có nguồn nào hay không. Vừa cúp điện thoại, tôi rút tiền túi nhờ người quen mua 3.000 găng tay y tế chuyển về quận. Mua găng tay xong, tôi quyên góp kinh phí từ người thân, bạn bè mua khẩu trang, lương thực hỗ trợ bà con trong khu phố và đóng góp cho địa phương”, bà Lương cho biết.

Dù tuổi cao, nhưng trên mặt trận phòng chống dịch ấy, không tuyến hẻm nào trong khu phố 4, phường Bến Nghé, quận 1 thiếu dấu chân của bà. Đặc biệt, khu phố nơi bà sinh sống có nhiều người nước ngoài đến làm việc, học tập, du lịch bị kẹt lại, suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, bà tham gia hỗ trợ lương thực để họ an tâm vượt qua khó khăn. 

Chiến tranh đã tôi luyện những CCB như ông Châu, bà Lương lòng quả cảm, khí chất can trường của người lính. Để rồi trong thời bình, họ lại kiên cường tham gia những mặt trận nóng nhất, chung tay cùng địa phương, cùng thành phố chăm lo cho người dân, đẩy lùi thành công dịch bệnh.

Năm 2021, Hội CCB TPHCM đã quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 gần 7,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí chăm lo an sinh xã hội của các cấp hội, hội viên Hội CCB TPHCM là gần 35,9 tỷ đồng. TPHCM có 7.330 hộ CCB là chủ nhà trọ đã miễn phí, giảm giá cho thuê phòng trọ với số tiền gần 123 tỷ đồng, qua đó chung tay cùng người ở trọ phòng chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục