1. Trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu cuối thôn Hanh, cạnh cánh đồng lúa, ông Khai với giọng nói hào sảng, cho biết, tháng 2-1960, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ tại Quân khu 4, hoạt động, chiến đấu trên đất bạn Lào. Sau đó, đơn vị chuyển vào hoạt động, chiến đấu tại Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam... Đến cuối tháng 7-1975, ông phục viên trở về địa phương.
Những năm sau chiến tranh, xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm của người còn sống đối với những đồng đội đã anh dũng hy sinh mà chưa tìm được mộ, ông Khai trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm, quy tập phần mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông chưa có điều kiện để thực hiện tâm nguyện. Đến khoảng năm 2005, sau khi bàn bạc với vợ con, ông quyết định bắt tay vào thực hiện. Để có tiền làm lộ phí, ông trích một phần trợ cấp chế độ bệnh binh loại 1 và chế độ ảnh hưởng chất độc da cam của mình, cộng với bán thêm gia súc, lúa gạo, đón xe đò vào Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam để bắt đầu hành trình tìm kiếm mộ đồng đội.
Chuyến đi đầu tiên vào Đà Nẵng, Quảng Nam là tìm kiếm phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến (quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, sau bao năm, khung cảnh nơi đây đã thay đổi rất nhiều, việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn. Ông Khai mướn xe đạp của người quen, ngày ngày rong ruổi đến nhiều địa điểm để tìm kiếm, nhưng đều không có kết quả. Ngày qua ngày nhưng không nản lòng, ông liên hệ các cấp, ngành, đồng đội cũ và dò hỏi người dân địa phương nhờ hỗ trợ.
Sau những lần đào bới thất bại, may mắn cũng đã mỉm cười với ông và đoàn tìm kiếm. Phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến được phát hiện tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam. “Lúc xác định được chính xác vị trí phần mộ của liệt sĩ Tiến nằm dưới gốc cây bạch đàn, tôi mừng mừng tủi tủi, buồn vui lẫn lộn, tuôn trào nước mắt. Thương quá, nhớ quá! Cuối cùng cũng thực hiện được ước nguyện đầu tiên”, ông Khai nghẹn ngào nhớ lại.
2. Sau lần tìm được phần mộ liệt sĩ Phạm Hùng Tiến, ông Khai tiếp tục nhiều lần đi vào Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, tìm kiếm, quy tập được thêm phần mộ của 4 đồng đội quê ở Hà Tĩnh và Hà Nam. Ngoài ra, ông Khai còn trực tiếp cung cấp nhiều thông tin quý giá về hàng chục phần mộ liệt sĩ, giúp nhiều gia đình tìm kiếm, cất bốc đưa người thân về quê nhà.
Bà Bùi Thị Vẽ (86 tuổi, vợ ông Khai), cho biết, mỗi chuyến ông Khai đi tìm kiếm mộ liệt sĩ kéo dài 3-5 ngày, có khi đi cả tuần lễ mới trở về quê. Vì vậy, công việc trong gia đình, chăm sóc con cái, bà đều tự tay cáng đáng để cho ông an tâm đi làm việc nghĩa. Mỗi lần tìm được hay không tìm được mộ liệt sĩ trở về, ông Khai lại lặng lẽ đi xe đạp vượt hàng chục kilômét đến các địa phương trong tỉnh để thông báo cho các gia đình biết và thu thập thêm thông tin liên quan. Biết ơn ông Khai, nhiều gia đình từng được giúp đỡ tìm mộ liệt sĩ đã xem vợ chồng ông như người thân trong nhà và thường xuyên qua lại động viên, thăm hỏi.
Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạch Liên, cho biết, ông Vương Khả Khai là một bệnh binh luôn tận tâm đi tìm kiếm, quy tập phần mộ đồng đội đã hy sinh. Hiện nay, mặc dù ông Khai rất mong muốn được tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập phần mộ liệt sĩ, nhưng vì tuổi cao, sức khỏe không cho phép, nên ông nhờ thế hệ sau tiếp nối truyền thống của cha ông, thực hiện công việc này để giúp người thân các liệt sĩ vơi bớt nỗi đau.
“Những năm qua, tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ông Khai và vợ đã trích tiền trợ cấp, bán lúa gạo, gia súc làm lộ phí trở lại chiến trường xưa tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông Khai đã trực tiếp tìm kiếm, quy tập được 5 hài cốt liệt sĩ. Ngoài ra, ông còn cung cấp nhiều thông tin rất quý giá giúp cho nhiều gia đình tìm kiếm, quy tập được thêm 21 mộ liệt sĩ, đưa về quê nhà an táng. Việc làm cao cả ấy của ông Khai rất đáng trân quý”, ông Phương nói.
Ông Vương Khả Khai đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba… Ngoài ra, ông còn được địa phương biểu dương, khen thưởng về việc đi tìm kiếm, quy tập phần mộ liệt sĩ trong những năm qua. |