Chất lượng hơn số lượng

Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét cẩn trọng trước xu hướng “nhà nhà” đề xuất mở phố đi bộ, phố ẩm thực. Khi đóng đường mở phố đi bộ, phố ẩm thực thì phải đảm bảo những điều kiện tiên quyết, tránh tình trạng mở đến đâu kẹt xe đến đó.
Phố đi bộ Bùi Viện, tháng 2-2020. Ảnh: ĐÌNH DƯ
Phố đi bộ Bùi Viện, tháng 2-2020. Ảnh: ĐÌNH DƯ

Như vậy, mở phố đi bộ phải không cản trở giao thông, không gia tăng kẹt xe, người sống trong khu vực này vẫn ra vào nhà mình bằng xe gắn máy dễ dàng. Ngoài ra, bãi giữ xe cho phố đi bộ phải được bố trí thuận lợi ở 2 đầu, khoảng cách tối đa 800m (10 - 15 phút đi bộ). Đối chiếu các điều kiện này, việc lập phố đi bộ Nguyễn Thượng Hiền cần cân nhắc kỹ. Bởi vì, nơi đề xuất lập bãi giữ xe nằm bên đường Điện Biên Phủ, người gửi xe phải băng ngang tuyến đường huyết mạch có lưu lượng xe đông là không ổn… Một thành phố chỉ cần vài tuyến, khu vực tổ chức phố đi bộ, phố ẩm thực tới nơi tới chốn, sẽ có giá trị hơn so với việc mở ra hàng loạt mà nhếch nhác, tác động xấu đến giao thông.

TPHCM hiện đã có phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện. Cả hai nơi này vẫn chưa hoàn chỉnh thì cần cân nhắc khi nhân rộng ở nơi khác. Trước mắt, TPHCM cần kiện toàn, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế ở các phố đi bộ này, đồng thời xem xét phá thế cục bộ quận 1 có 1 phố (Nguyễn Huệ), quận 3 có 1 phố (dự kiến khu vực Hồ Con Rùa).

Cụ thể, khu vực Hồ Con Rùa có thể tổ chức thành phố đi bộ kéo dài ra đường Đồng Khởi và đến bến Bạch Đằng, có “ngắt” đoạn bằng việc bố trí đèn đỏ cho xe cắt ngang, nối vào phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nếu thực hiện đến nơi đến chốn thì đây sẽ là phố đi bộ quan trọng nhất của TPHCM. Do đó, thành phố cần tập trung vào dự án này. 

Hiện nay, các địa phương đề xuất mở phố đi bộ như một trào lưu là chưa nhận thấy rõ khi đóng đường mở phố đi bộ sẽ gây ra những tác động xấu đến giao thông. Do đó, TPHCM cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch, tổ chức lại các tuyến phố hấp dẫn và thân thiện với người đi bộ, thay vì mở thêm phố đi bộ. 

Để trở thành một con đường hấp dẫn, trước tiên cần trả vỉa hè cho người đi bộ và đưa xe gắn máy vào bãi giữ xe, không đậu ở vỉa hè. Kế đến là quy hoạch, tổ chức hai bên đường với cửa hàng ăn uống, mua sắm tập trung. Một khi người đi bộ đi lại dễ dàng, thuận tiện thì không cần đóng đường nào hết nhưng TPHCM có thể sẽ có một khu vực, như quận 1, quận 3 thành “quận đi bộ”. Ở đây, xe vẫn lưu thông, người đi bộ vẫn đi lại thoải mái.

Ngoài ra, nếu mở phố ẩm thực thì không nên đóng đường. Như các nước châu Âu, ở Mỹ có những phố ẩm thực vẫn cho xe lưu thông nhưng rất hấp dẫn, luôn thu hút du khách. Như vậy, việc mở phố ẩm thực Phan Xích Long cần lưu ý vẫn cho xe lưu thông và tạo thân thiện cho người đi bộ, thay vì đóng đường.

Tin cùng chuyên mục