Chất lượng mũ bảo hiểm: Tiếp tục “siết”

Chất lượng mũ bảo hiểm: Tiếp tục “siết”
 

Nhiệm vụ của mũ bảo hiểm, ai cũng biết, là bảo hiểm cái đầu cho người đi xe gắn máy. Một năm qua, khi đã quen với việc “xài” nón bảo hiểm, người dân, dẫu biết được bảo hiểm, vẫn thấy… chán khi phải đội “nồi cơm điện” trên đầu. “Đón gió” được xu hướng thẩm mỹ của người tiêu dùng, nhà sản xuất đã “make up” chiếc nón, làm cho nó “sành điệu” và trở thành một trào lưu… thời trang giao thông.

Nhưng, các nhà chuyên môn, phát huy vai trò chuyên môn, liền tiến hành thử nghiệm chất lượng của những chiếc nón “sành điệu” này, và phát hiện nhiều mũ không an toàn.Dư luận liền xôn xao về việc sẽ cấm mũ bảo hiểm “cách điệu”. Để làm rõ vấn đề này, báo SGGP đã trao đổi với ông Trịnh Minh Tâm, Chi cục trưởng chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM.

°PV: Thưa, có dư luận cho rằng mũ bảo hiểm “cách điệu” sẽ bị cấm?

°Ông Trịnh Minh Tâm: Các quy định hiện nay không khẳng định rằng mũ bảo hiểm cách điệu sẽ bị cấm hoàn toàn. Chúng tôi chỉ thanh kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp (DN) sản xuất các loại mũ bảo hiểm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tất nhiên, nếu những mũ quá chú trọng vào yếu tố thời trang, làm ảnh hưởng đến tiêu chí an toàn sẽ bị cấm, DN sản xuất các loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, không an toàn sẽ bị xử phạt.

°Vậy, làm sao để người tiêu dùng có thể nhận biết được mũ bảo hiểm nào “đảm bảo an toàn”?

Chất lượng mũ bảo hiểm: Tiếp tục “siết” ảnh 1
Chất lượng nón bảo hiểm khó kiểm soát. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

°DN có nghĩa vụ thông báo đến cơ quan quản lý và đảm bảo với người tiêu dùng về sự phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô xe máy (QCVN 02: 2008/BKHCN) theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28-4-2008 của Bộ Khoa học & Công nghệ.

Mũ bảo hiểm sản xuất trong nước bắt buộc phải công bố hợp quy theo QCVN 02: 2008/BKHCN, mũ bảo hiểm nhập khẩu cũng bắt buộc phải có giấy chứng nhận hợp quy theo Quy chuẩn 02 nói trên.

Sau khi đã chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy, DN phải gắn dấu hợp quy CR trên mũ bảo hiểm (thay cho dấu hợp chuẩn CS trước đây) kể từ 15-11-2008 khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, DN phải cam kết với người tiêu dùng về chất lượng mũ.

°Theo ông, dấu CR có thể xem như một dấu hiệu rất quan trọng để người tiêu dùng nhận biết rằng mũ bảo hiểm đó an toàn. Vậy, điều kiện để gắn dấu hợp quy CR lên mũ bảo hiểm là gì?

°Đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu, phải chứng nhận hợp quy do tổ chức giám định hoặc tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định, hoặc thừa nhận thực hiện tại nước ngoài phù hợp với các quy định kỹ thuật cho từng kiểu mũ. Đối với mũ sản xuất trong nước, phải công bố hợp quy cho từng kiểu mũ trên cơ sở chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định.

Và, để công bố hợp quy, DN phải lập hồ sơ công bố hợp quy gồm bản công bố hợp quy theo mẫu; bản sao chứng chỉ chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm với QCVN 02: 2008/BKHCN do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp; bản mô tả chung về sản phẩm (đặc điểm, tính năng, công dụng của mũ,…).

Sau khi đã lập đủ hồ sơ công bố trên, DN gửi đến Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương. Trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ công bố phù hợp, Chi cục sẽ gửi văn bản tiếp nhận cho DN. Lúc này, DN đã có thể gắn dấu hợp quy CR lên sản phẩm, hình thức và kích thước dấu CR được quy định trong QĐ24/2007/QĐ-BKHCN.

°Khi mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, việc xử phạt sẽ được tiến hành thế nào, thưa ông?

°Đối với mũ bảo hiểm có chất lượng không đạt mức chất lượng quy định của pháp luật thì bị xử phạt tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 95/2007/NĐ-CP (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2005/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Ngoài ra có nhiều dạng vi phạm khác như: giả mạo nhãn hiệu, không công bố phù hợp tiêu chuẩn, nội dung ghi nhãn hàng hóa không phù hợp theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa…các trường hợp này đều được kiến nghị xử lý theo Nghị định 126/2005/NĐ-CP và Nghị định 95/2007/NĐ-CP

Khi chúng tôi kiểm tra các đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm trên địa bàn TPHCM thì phát hiện sản phẩm của một số đơn vị gia công sản xuất mũ bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm trong nước hoặc hàng hóa (mũ bảo hiểm) từ các tỉnh tiêu thụ tại TPHCM không đạt chất lượng. Đối với các trường hợp này, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM đã phối hợp với các Sở KHCN địa phương liên quan xử lý, ngăn chặn không cho lưu thông trên thị trường.

°So với gần 1 năm trước, có vẻ như việc quản lí mũ bảo hiểm gần đây đang bị “buông lỏng”?

°Không hẳn thế, từ tháng 8 năm 2007, chúng tôi (Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP HCM, Chi cục Quản lý Thị trường TP, Lực lượng Cảnh sát ĐTTP&TTQLKT & CV) đã triển khai 4 đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất 180 đơn vị sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn TPHCM và xử phạt vi phạm hành chính 21 đơn vị với tổng số tiền phạt là 135.091.000 đồng, tạm giữ và xử lý 65.298 mũ bảo hiểm không đạt chất lượng theo quy định.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ cũng vẫn đang tổ chức phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, Chi cục Quản lý Thị trường TP triển khai công tác thanh tra đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm trên địa bàn TPHCM.

Sĩ Minh

Tin cùng chuyên mục