Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật kém

“Việt Nam có cả rừng luật” quả không sai, khi tính riêng lĩnh vực tài chính - lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến doanh nghiệp - đã có hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Thế nhưng, gần như tháng nào Bộ Tài chính cũng ban hành công văn tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng thật ra đó là giải thích pháp luật…
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cục thuế TPHCM
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cục thuế TPHCM
Thế nhưng, dù có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhưng quy định cũng không rõ ràng; các cấp áp dụng không thống nhất, tùy tiện dẫn đến doanh nghiệp và cả cơ quan thực thi vẫn cứ thắc mắc. Gần như tháng nào Bộ Tài chính cũng ban hành công văn tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng thật ra đó là giải thích pháp luật…

Nỗ lực cải cách

Để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, thời gian qua ngành tài chính liên tục nỗ lực trong cải cách hành chính. Đến nay, những thành tựu đạt được rõ nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục hành chính. Gần 1.000 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (hơn 260 thủ tục cấp độ 1; gần 350 thủ tục cấp độ 2; 85 thủ tục cấp độ 3 và khoảng 250 thủ tục cấp độ 4). 

Riêng lĩnh vực thuế, việc khai thuế qua mạng đã được triển khai tại tất cả các cục, chi cục thuế trong cả nước. Có khoảng 590.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,77% số doanh nghiệp đang hoạt động. Đến nay, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trên 41,3 triệu hồ sơ. Để nộp thuế điện tử thành công, ngành thuế đã phối hợp với 45 ngân hàng thương mại kết nối nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Đã có hơn 582.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 98,56%) với số tiền nộp ngân sách từ đầu năm đến nay là 225.700 tỷ đồng. Về hóa đơn điện tử, đã triển khai tại 200 doanh nghiệp của TPHCM và TP Hà Nội (đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế) với hơn 4,35 triệu hóa đơn được xuất, tổng số tiền thuế gần 2.200 tỷ đồng.

Đối với ngành hải quan, hiện đang triển khai cơ chế một cửa quốc gia. Cơ quan hải quan đã kết nối với 11/14 bộ, ngành và 38 thủ tục hành chính được kết nối một cửa. Đã có hơn 11.400 doanh nghiệp tham gia với 358.000 bộ hồ sơ hành chính được xử lý trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Hiện ngành hải quan cũng đang triển khai cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 và đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN (ATIGA C/O mẫu D). Hiện Việt Nam cũng sẵn sàng kết nối chính thức cơ chế một cửa ASEAN khi nghị định thư về khung pháp lý được đủ 10 nước thành viên phê chuẩn. 

Tương tự ngành thuế, đến nay, 100% đơn vị hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử  và có gần 60.000 doanh nghiệp tham gia với tổng số tờ khai xuất nhập khẩu là 3,7 triệu tờ. Ngành hải quan đã ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thanh toán thuế xuất nhập khẩu điện tử, chiếm 91% số thu ngân sách của ngành, qua đó giảm thời gian nộp thuế từ 2 ngày xuống còn 15 phút.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng rà soát khoảng 270 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế, công sản, kho bạc... để đề xuất đơn giản hóa, bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết, nhằm tạo thuận tiện nhất cho doanh nghiệp.

Và làm luật như chính sách…

Để dự thảo một nghị định, thông tư, chắc hẳn ngân sách bỏ ra tiền tỷ, thế nhưng rà soát lại thì Việt Nam có quá nhiều… văn bản dưới luật. Riêng ngành tài chính, tính đến giữa năm 2017, Chính phủ trình Quốc hội 2 dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 1 nghị quyết. Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 36 đề án; trong đó có 17 nghị định, 2 quyết định và  17 đề án. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành 61 thông tư.

Bên cạnh việc ban hành mới hàng loạt văn bản dưới luật, Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện đang khẩn trương nghiên cứu đề xuất sửa đổi quy định của Luật Quản lý thuế để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thực thi các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã ký kết. 

Điều đáng nói, hiện nay Bộ Tài chính hiện có đến 200 thông tư do bộ ban hành. Bộ Tài chính cũng đã rà soát, công bố danh mục văn bản văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ, hoặc một phần và đến cuối năm 2016 có hơn 100 văn bản đã hết hiệu lực toàn bộ và 88 văn bản hết hiệu lực một phần. Với số lượng văn bản như thế, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Bộ Tài chính vẫn cứ liên tục ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, gỡ vướng cho doanh nghiệp? Điều đó cho thấy chất lượng văn bản quy phạm pháp luật quá kém, khiến người thực thi không thể hiểu hoặc hiểu không thống nhất. Và đáng nói nhất, qua rà soát thì các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo công phu kia đã tốn không ít tiền của của nhà nước nhưng “tuổi thọ” rất ngắn, chỉ 2- 3 năm lại phải hủy bỏ, thay thế hoặc sửa chữa!

Tin cùng chuyên mục