Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, nhiều vị đại biểu (ĐB) Quốc hội đã cho biết những vấn đề trăn trở nhất sẽ được chất vấn.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM): Làm sao giảm tải mà không bố trí vốn xây bệnh viện
Tôi muốn hỏi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hữu hiệu để giảm tải cho các bệnh viện lớn, cụ thể là việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp cơ sở vật chất, tạo nguồn nhân lực… Ngành y tế đã rất tích cực xây dựng đề án giảm tải, UBND TPHCM vừa qua cũng đã chỉ đạo rốt ráo xây dựng đề án giảm tải trước mắt, tầm nhìn tới năm 2020 cho các bệnh viện lớn trên địa bàn; đề nghị được sử dụng 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Thế nhưng lần này, trong 5 dự án được bổ sung thêm vào danh sách được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lại không có đề án này, trong khi đây là chuyện quá bức xúc. Chúng ta nói mãi chuyện quá tải bệnh viện rồi mọi sự vẫn vậy.
Tôi đồng ý với định hướng ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho vùng sâu vùng xa, nhưng phải căn cứ vào khả năng thực tế. Vừa qua ngành y tế một số địa phương không giải ngân hết số được phân bổ; trong khi chỗ cần lại không có! Cần lưu ý thêm rằng trong số bệnh nhân tại TPHCM có tới hơn 50% từ các tỉnh về, chủ yếu bệnh nặng. Không thể từ chối chữa bệnh cho người dân!
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Băn khoăn về hiệu quả quản lý kinh tế, chống tham nhũng
Còn tùy vào việc vị bộ trưởng, trưởng ngành nào sẽ trả lời chất vấn mà tôi sẽ đặt câu hỏi. Song hiện có mấy vấn đề tôi băn khoăn. Còn rất nhiều điều xung quanh Đề án tái cơ cấu kinh tế cần được làm rõ. Việc sửa đổi Luật Đất đai cũng như những bất cập trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo… cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó là vai trò quản lý giá cả, thị trường của Bộ Công thương với thực tế được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến người nông dân khốn đốn. Với Chính phủ, tôi muốn chất vấn về hiệu quả quản lý kinh tế, phòng chống tham nhũng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Công trình giao thông tồi, ngân hàng nhiều bất ổn
Lĩnh vực nào cũng có những chuyện bức xúc. Như chất lượng của các công trình giao thông ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, là nguyên nhân quan trọng gây ra tai nạn giao thông. Hàng loạt công trình sử dụng tiền ngân sách nhà nước, thế mà hiệu quả kém. Hàng loạt công trình vừa làm xong đã hỏng, có phải làm đền hay không? Chuyện cũng đã đề cập đến nhiều, nhưng chất vấn chính thức thì sức nặng sẽ lớn hơn, nhất là nếu Quốc hội ra nghị quyết, có ràng buộc trách nhiệm, có giám sát. Hay là tái cơ cấu ngân hàng. Vừa qua cử tri rất phàn nàn: người gửi tiền không lợi, DN không lợi, NH ở giữa hưởng chênh lệch quá lớn. Nhưng giờ đang có hiện tượng đọng vốn ở ngân hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngân hàng cứ khư khư giữ tiền như thế, hàng tháng cứ phải trả lãi mà không chịu hạ lãi suất để cho vay ra được thì có tồn tại được không?
ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình): Chỉ bơm vốn, không cứu được DN
Tôi quan tâm nhất vấn đề giải quyết khó khăn cho các DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Tình trạng của các DN hiện nay đang ở mức xuống dốc lắm rồi, “đói lả”. Đây không phải là giai đoạn DN cần vốn, nên giờ mà bơm vốn vào DN cũng không hấp thụ nổi. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra mới chỉ để giải quyết tình thế trước mắt, chưa thể giải quyết khó khăn cho DN. DN cần những giải pháp đồng bộ, dài hạn của Chính phủ nhất là chính sách để giúp DN giải quyết hàng tồn kho, bảo đảm đầu ra.
Từ ngày 13 đến ngày 15-6, sẽ có 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành được lựa chọn để đăng đàn trả lời chất vấn, trước khi một phó thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung và trực tiếp trả lời chất vấn vào buổi làm việc cuối cùng dành cho nội dung này. Các nhóm vấn đề dự kiến sẽ chất vấn bao gồm nhiều nội dung đã và đang được cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm: các vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng, Hưng Yên, Cần Thơ; hiệu quả hoạt động của các tập đoàn nhà nước; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; trách nhiệm trong thanh tra, phát hiện và đề xuất xử lý tham nhũng... |
A.THƯ – L.NGUYÊN (ghi)