Châu Âu đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định lập một Liên minh Phục hồi Kinh tế Xanh hậu khủng hoảng Covid-19 nhằm đưa nền kinh tế “lục địa già” phát triển bền vững hơn.
Một trang trại điện gió tại Đức
Một trang trại điện gió tại Đức

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Liên minh có sự tham gia của bộ trưởng thuộc 11 quốc gia thành viên EU, 79 nghị sĩ châu Âu thuộc nhiều đảng phái khác nhau của 17 nước thành viên EU, 37 tổng giám đốc điều hành các tập đoàn, 28 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho 10 lĩnh vực, Liên đoàn các nghiệp đoàn châu Âu, 7 tổ chức phi chính phủ và 6 viện chính sách. Mục tiêu chính của liên minh là ủng hộ và thực hiện các giải pháp nhằm chuẩn bị cho các nền kinh tế tương lai của thế giới. Liên minh cũng xây dựng các kế hoạch đầu tư xanh hậu khủng hoảng Covid-19 và đề xuất giải pháp đầu tư cần thiết gắn với các cam kết về khí hậu. Các nhà đồng sáng lập liên minh trên nhấn mạnh đến việc cần thiết chuyển đổi sang một nền kinh tế không khí thải carbon, các hệ thống nông nghiệp bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học, có khả năng nhanh chóng tạo ra việc làm, sự thịnh vượng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường tại Nghị viện châu Âu, nơi đề xuất sáng kiến thành lập liên minh này, cho biết, châu Âu lựa chọn tăng cường sự chuyển đổi sinh thái ngay khi tái đầu tư vào nền kinh tế. Nếu cùng nhau chiến đấu, khu vực này sẽ vượt qua được khủng hoảng Covid-19 và khủng hoảng khí hậu.

Trong năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu đánh giá quá trình chuyển đổi xanh của các quốc gia thành viên EU như một phần trong hoạt động giám sát ngân sách quốc gia. Đây là một trong những biện pháp mới của khối nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu đã đề ra. EC đánh giá xem các khoản chi tiêu, doanh thu và đầu tư của chính phủ có được cân bằng hợp lý hay không. EC cũng kiểm tra tốc độ chuyển đổi của các chính phủ quốc gia thành viên sang nền kinh tế phát thải carbon thấp.

Xu hướng tất yếu


Trong vài năm qua, phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của nhiều nền kinh tế trên thế giới. EU cho rằng, kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng. Đầu tư cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch là mặt trận đầu tiên của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, kể từ khi nhậm chức vào tháng 7-2019.
Với vị trí là khu vực có nền kinh tế lớn trên thế giới, nhưng chỉ chịu trách nhiệm 9% lượng khí thải toàn cầu, EU coi cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh vừa là chiến lược dài hạn, cơ hội riêng cho kinh tế châu lục tăng trưởng, nhưng cũng vừa là con đường xây dựng một mô hình mới để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Trước đó, EC đã công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu với tham vọng đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải vào năm 2050. Thỏa thuận Xanh đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại và cả ngoại giao.

Thỏa thuận đặt mục tiêu giảm 50%-55% khí thải vào năm 2030, so với mức giảm 40% trước đây. Tuy nhiên, vấn đề này trên thực tế vẫn chưa nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong khối. Một trong những thách thức là tìm kiếm thỏa hiệp với các quốc gia thành viên, nhất là nhóm 3 nước Ba Lan, Hungary, CH Czech, vốn còn rất phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Một số nước có ngành công nghiệp như sản xuất ô tô và hóa chất đang lo ngại sụt giảm phát triển trước nguy cơ phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt mới về môi trường. 

Tin cùng chuyên mục