Báo cáo theo dõi hoạt động cấp bằng sáng chế của 38 quốc gia thành viên, cho thấy một số quốc gia và ngành công nghiệp châu Âu đang nỗ lực tạo sự cân bằng giới. Chủ tịch EPO António Campinos viết trong lời tựa của báo cáo: “Các nhà khoa học nữ trong lịch sử đã bị từ chối cơ hội bình đẳng, và họ vẫn còn ít đại diện trong số các nhà phát minh có tên trong các ứng dụng bằng sáng chế”. Mặc dù một số quốc gia tại lục địa già cho thấy sự tiến bộ to lớn, khoảng cách giữa các nhà phát minh nam và nữ ở châu Âu vẫn lớn hơn so với các nơi khác trên thế giới, đặc biệt là khi so sánh với một số nước châu Á, nơi phụ nữ tạo thành một lực lượng chính cho sự đổi mới.
Ảnh minh họa phụ nữ Latvia đang dẫn đầu về đổi mới và phát minh với tỷ lệ WIR hơn 30% |
Theo đó, mức trung bình của WIR châu Âu (13%) cao hơn Nhật Bản (9,5%), nhưng thấp hơn Mỹ (15,0%), thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc (26,8%) và Hàn Quốc (28,3%) vào năm 2019. Điều thú vị là tỷ lệ nhà phát minh nữ thấp nhất ở Áo (8,0%), Đức (10,0%) và Hà Lan (11,9%), mặc dù những quốc gia này nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu được cấp bằng sáng chế nhiều nhất tại EPO.
Hóa học là lĩnh vực công nghệ mà phụ nữ phát minh nhiều nhất, chiếm 22% bằng sáng chế. Con số này gấp 4 lần so với kỹ thuật cơ khí, lĩnh vực có WIR thấp nhất (5,2%). Theo báo cáo, điều này có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ sở thích giáo dục của phụ nữ đối với hóa học và khoa học đời sống đến “điều kiện làm việc trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau và tác động của chúng đối với sự cân bằng giữa công việc và gia đình”. Trong lĩnh vực hóa học, phụ nữ nộp nhiều bằng sáng chế nhất về công nghệ sinh học và dược phẩm, với WIR trên 30%.
Phụ nữ ít bằng sáng chế phần lớn là do “phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn hơn nam giới, đặc biệt là khi theo đuổi các ngành nghề về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM)”, theo báo cáo. Dữ liệu cho thấy, các học giả nữ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ít hơn khoảng 40% so với nam giới, mặc dù năng suất khoa học tương tự. Khi nói đến các phát minh được mô tả trong các ấn phẩm khoa học và được cấp bằng sáng chế, phụ nữ ít có khả năng được ghi nhận là tác giả của các ấn phẩm hơn so với các đồng tác giả của họ là nam giới.
Các trường đại học và tổ chức nghiên cứu công cộng (PRO), bao gồm bệnh viện, tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan chính phủ, có tỷ lệ phụ nữ cấp bằng sáng chế lớn hơn đáng kể (19,4%) so với các công ty tư nhân (10%), chưa kể lĩnh vực công nghệ. Điều này cho thấy vai trò của các trường đại học và PRO trong việc cấp bằng sáng chế càng lớn thì tỷ lệ bằng sáng chế của phụ nữ sẽ càng nhiều.
Đối với phụ nữ, bất bình đẳng về phát minh cũng có nghĩa là thu nhập ít hơn, vì dữ liệu cho thấy doanh thu của các nhà nghiên cứu có liên quan chặt chẽ đến số lượng bằng sáng chế. “Do đó, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào khoa học vẫn là một thách thức lớn đối với châu Âu, cũng như yếu tố chính trong tính bền vững và khả năng cạnh tranh trong tương lai”, Campinos, người đứng đầu EPO kết luận.