Châu Ro ngày mới

Mấy năm nay, bà con Châu Ro tuy chưa khá giả như dân thành phố nhưng đã được ăn no, mặc lành, không còn lo đói khi giáp vụ nữa. Có được như thế là nhờ chính sách giao đất cho dân.
Châu Ro ngày mới

Mấy năm nay, bà con Châu Ro tuy chưa khá giả như dân thành phố nhưng đã được ăn no, mặc lành, không còn lo đói khi giáp vụ nữa. Có được như thế là nhờ chính sách giao đất cho dân.

  • Thoát nghèo

Từ TP Vũng Tàu, vượt hơn 70km đường rừng ngút ngàn cao su, chúng tôi đến xã Châu Pha huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có bà con đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Chỉ cách đây 3 năm về trước, con đường vào bản làng Châu Ro đầy bụi đỏ. Mỗi khi xe ô tô, xe máy chạy qua, cả đoạn đường mù mịt nghẹt thở.

Còn bây giờ, thay vào đó là con đường láng mịn, uốn lượn ôm lấy bản làng. Những ngôi nhà lợp cỏ tranh nhường chỗ cho những mái nhà ngói đỏ, tôn xanh, cánh đồng cỏ năng ngập đầu hoang dã được thay bằng những vườn tiêu, điều, rẫy bắp, hoa màu xanh mướt, trẻ em tung tăng tới trường. Bản làng Châu Ro đã thực sự khoác lên mình sức sống mới.

Bộ đội Hải quân Căn cứ 696 Vùng 2 cùng bà con Châu Ro múa hát.

Bộ đội Hải quân Căn cứ 696 Vùng 2 cùng bà con Châu Ro múa hát.

Để chúng tôi khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi mới của bản làng Châu Ro, ông Nguyễn Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Pha hồ hởi đón chúng tôi ở nhà văn hóa xã, cười nói: “Các anh ngỡ ngàng vì sự đổi thay của bản làng Châu Ro đúng không? Chúng tôi đã hết đói nghèo rồi, bà con yên ổn làm ăn không còn du canh du cư như trước đây nữa”.

Ba năm trước nay, bà con Châu Ro còn nghèo khó, vậy mà nay đã ấm no thay đổi, vậy nguyên nhân nào đã khiến bản làng “lột xác” nhanh đến vậy? Tôi hỏi.

“Ha ha, có gì ghê gớm đâu anh. Chúng tôi thực hiện chính sách giao đất cho dân theo chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm. Tức nhà nước cấp vốn, hướng dẫn kỹ thuật, bà con chủ động làm. Nói thật với anh, Châu Ro là xã nghèo lắm. Bà con ở đây lam lũ chủ yếu làm nghề nông nghiệp cả đời vất vả mà không no cái bụng, không có cái áo đẹp để che cái lưng, trẻ con không có cái chữ mà đọc, bà con nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác du canh du cư. Trước thực tại đó, chúng tôi đã mạnh dạn giao đất cho dân. Mừng quá vì đã “đánh trúng” tâm lý, khơi dậy được tinh thần tự chủ của bà con. Được chia đất, bà con phấn khởi làm ăn, trồng trọt, tự nguyện đóng thuế chứ không như trước kia “cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai làm, nhưng của chung ai cũng tranh phần nhiều hơn. Bây giờ ruộng ai nấy làm, của ai nấy quản. Anh thấy đó, cuộc sống của bà con Châu Ro đã thực sự đổi mới rồi”, Phó Chủ tịch xã nói trong vui sướng.

Năm 2010, toàn xã Châu Pha có 2.273 hộ thì còn gần 500 hộ đói nghèo chủ yếu là bà con dân tộc Châu Ro. Do chưa biết làm lúa nước, họ chủ yếu làm thuê, làm mướn, hoặc làm theo kiểu “chọc lỗ bỏ hạt”. Mặt khác, ở đây có “lệ”, nếu chỗ ở cũ không thích, bà con lại chuyển chỗ ở mới, họ cho là chỗ ở cũ “không thuận”, có “ma”, “Giàng không thương”. Bởi vậy có chăm làm đến mấy, cuộc sống của bà con vẫn thiếu trước hụt sau. Nhưng từ ngày chính quyền chia đất cho dân, cuộc sống bà con đã thay da đổi thịt.

Chị Dương Thị Thanh ở xã Châu Pha cho biết: “Gia đình tui nghèo nhất ở cái bản làng Châu Ro này. Trước nay, con tui cái bụng không no, cái lưng không kín, làm mướn cực lắm nhưng không đủ ăn, nay ơn Đảng, Nhà nước và nhờ các anh nè (chị Thanh chỉ ông Phó Chủ tịch xã) mà gia đình tôi hết nghèo rồi”. Tôi hỏi: “Mỗi năm gia đình chị thu hoạch được mấy tấn lúa?”. “Mỗi vụ được 3 đến 5 tấn một mẫu. Trừ chi phí phân bón, gia đình tôi có của ăn của để rồi. Bây giờ chỉ lo làm ăn thôi, không thích du canh du cư nữa”, chị Thanh nói.

  • Quyết theo kịp miền xuôi

Đến bản làng Châu Ro hôm nay, nét mới dễ nhận thấy là những mái nhà ngói đỏ, tôn xanh san sát nhau, những vườn điều sum suê trĩu quả. Không còn cảnh người dân phải chống gậy ra đường (vì trước đây đường nhiều ổ trâu, ổ voi), trẻ em đã được đến trường, người dân đã biết đi dép cho sạch chân, biết rửa mặt cho đẹp đẽ, biết đội nón tránh nắng, mặc áo để khỏi cháy da. Những cô gái đã biết trang điểm, thanh niên con trai biết đi xe máy và nói được tiếng Kinh… Tất cả như khoác trên mình bộ áo mới.

Hào hứng phấn khởi trước sự đổi thay của bản làng, gia đình mình, chị Dương Thị Tân ở ấp Tân Ro cho biết: “Từ khi chính quyền xã xây nhà tình thương và cấp cho 1,7 sào đất trồng lúa, đời sống của gia đình tôi đỡ hơn nhiều. Tuy chưa giàu nhưng so với trước đây một trời một vực. Vợ chồng tôi không phải đi làm mướn nữa, không lo đói khi giáp hạt, chỉ mong sao chính quyền cho vay vốn để đầu tư sản xuất, có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, có tiền cho con học hành”. Bản làng Châu Ro hiện có hơn 80% trẻ em ở các ấp, các sóc đã được đến trường và được học tiếng Kinh. Xã Châu Pha có 2 trường tiểu học cơ sở. Năm học tới sẽ có thêm ngôi trường mới để đón các em học sinh cấp hai, không còn cảnh đi học nhờ nữa...

Ông Nguyễn Văn Ánh cho biết: “Năm 2011, chúng tôi phấn đấu xóa hết hộ nghèo để bà con Châu Ro đuổi kịp miền xuôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho bà con vay vốn mở rộng, đưa kỹ thuật trồng trọt thâm canh gối vụ, kết hợp nuôi trồng thủy sản gia cầm. Cứ đà này, Châu Ro sẽ giàu, sẽ khá, đã đổi mới càng đổi mới hơn”…

Nắm chặt tay tôi lúc chia tay, chị Dương Thị Thanh gửi tặng chúng tôi 5kg gạo “nếp Nàng hương Châu Pha”, xúc động: “Món quà nhỏ bé này biếu các anh. Những hạt gạo này thấm đẫm bao mồ hôi công sức của đồng bào Châu Ro chúng tôi. Chúng tôi ấm no là ơn Đảng, Bác Hồ. Người dân Châu Ro ơn Bác Hồ nhiều lắm”.

Tạm biệt bản làng Châu Ro, tạm biệt những ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới, chúng tôi trở về thành phố mang theo bao tình cảm của bà con. Những hạt nếp thơm nồng bà con gửi tặng, không chỉ là nghĩa tình đoàn kết anh em, mà còn là sự sẻ chia niềm vui, thắm tình của đồng bào Châu Ro ngày mới

TRẦN MẠNH TUẤN

Tin cùng chuyên mục