Thời gian gần đây, đi ngược quốc lộ 7 lên các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An) thấy nhiều loại cây dược liệu được phơi tràn lan, mua - bán dọc đường, phổ biến là: máu chó, khúc khắc (thổ phục linh), củ ba mươi, hoàng đằng...
Trước đây, người dân đổ xô đi kiếm cây máu chó thì nay rộ lên việc săn cây tiêu rừng. Cây máu chó giá từ 200.000 - 250.000 đồng/tạ, còn cây tiêu rừng lên đến 350.000 - 400.000 đồng/tạ. Chính vì giá cao nên người dân nhiều nơi đua nhau vào rừng đào, cắt các loại cây dược liệu đem về bán. Ông Lê Quang Hợp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông cho biết, việc xử lý khai thác cây dược liệu rất khó, đặc biệt là vấn đề thủ tục. Theo quy định hiện hành, các loại cây dược liệu người dân đang khai thác không phải dược liệu quý hiếm, nên không thể xử phạt. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như, người ta sẽ đốn hạ cây lớn để lấy dây dược liệu bám vào, dễ tạo ra các vật liệu cháy, khó kiểm soát được lượng người vào rừng...
Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề trên, dược sĩ chuyên khoa I Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Nghệ An, cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng biết thông tin người dân lấy cây dược liệu trong rừng đem bán. Việc khai thác cây dược liệu là phong tục của người dân bản địa, nhưng sau này do thương lái tiến hành thu mua với giá cao nên một bộ phận bà con thiếu hiểu biết đã khai thác quá đà. Với lối thu mua, khai thác theo lối tận diệt, đến một lúc nào đó cây dược liệu trong rừng sẽ không còn. Các loại dược liệu mà người dân đang khai thác có những tác dụng khác nhau, trong đó có việc chữa xương khớp, bổ huyết... (kết hợp với các dược liệu khác). Hiện chúng tôi đã gửi một số công văn cho phòng y tế các huyện về tình trạng này để có biện pháp phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động người dân ngừng khai thác ồ ạt cây dược liệu”.
Duy Cường