* Tổng thống Hàn Quốc đồng ý sử dụng lại cụm từ “kẻ thù chính” để chính thức mô tả CHDCND Triều Tiên
* Trung – Mỹ – Nga khẳng định mong muốn bán đảo Triều Tiên ổn định
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang khi ngày 25-5, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Hàn Quốc cho đến khi nào Tổng thống Lee Myung-bak không còn tại vị.
Theo đó, Bình Nhưỡng quyết định hủy bỏ thỏa thuận không xâm lược giữa hai bên cũng như đình chỉ hợp tác song phương. Tàu thuyền và máy bay của Hàn Quốc sẽ bị cấm ra vào CHDCND Triều Tiên và Bình Nhưỡng sẽ tự nối lại cuộc chiến tranh tâm lý. Hãng thông tấn chính thức của CHDCND Triều Tiên KCNA cho biết Bình Nhưỡng cũng sẽ trục xuất tất cả các công nhân Hàn Quốc đang làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Seoul công khai cáo buộc Bình Nhưỡng cố ý đánh đắm chiến hạm Cheonan hồi tháng 3 vừa qua, đồng thời công bố những biện pháp trừng phạt nước này, trong đó có lệnh cấm gần như tất cả các hoạt động thương mại liên Triều, buộc CHDCND Triều Tiên ngay lập tức xin lỗi và trừng phạt những đối tượng thực hiện vụ đánh đắm tàu Cheonan, cũng như chấm dứt ngay hành vi khiêu kích và đe dọa.
Trước đó, hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il đã ra lệnh đặt quân đội nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu sau khi cáo buộc Hải quân Hàn Quốc xâm phạm lãnh hải nước này.
Theo KCNA, quân đội CHDCND Triều Tiên cáo buộc trong vòng 10 ngày, từ 15 đến 24-5, hàng chục tàu hải quân của miền Nam đã xâm phạm các vùng biển miền Bắc, được biết đến với tên gọi Giới tuyến phía Bắc giữa hai miền Triều Tiên.
Thông điệp có đoạn viết: “Đây là hành động khiêu khích có chủ ý nhằm châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự nữa trên Hoàng Hải và qua đó đẩy quan hệ hai miền vốn đã ở mức thấp nhất hiện nay đến giai đoạn chiến tranh”. Nếu những hành động này tái diễn, Bình Nhưỡng “sẽ thực thi các biện pháp quân sự thực tế để bảo vệ lãnh hải của mình và Seoul phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả tiếp theo”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên và tuyên bố sẽ thực hiện cuộc tập trận chống tàu ngầm tại vùng bờ biển phía Tây trong tuần này.
Các động thái căng thẳng không chỉ đến từ phía CHDCND Triều Tiên. Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã lên tiếng ủng hộ việc nước này lần đầu tiên trong 6 năm qua sử dụng lại cụm từ “kẻ thù chính” để chính thức mô tả CHDCND Triều Tiên.
Hàn Quốc sử dụng cụm từ “kẻ thù chính” đối với CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên trong sách trắng quốc phòng của nước này vào năm 1995 sau khi CHDCND Triều Tiên đe dọa sẽ biến Seoul thành biển lửa trong cuộc đối thoại quân sự giữa hai nước một năm trước đó.
Tuy nhiên, Seoul đã không dùng cụm từ này từ năm 2004 trong nỗ lực hòa giải với Bình Nhưỡng và được thay thế bằng cụm từ mang sắc thái nhẹ nhàng hơn là “mối đe dọa quân sự trực tiếp” trong bối cảnh tâm lý hòa giải không ngừng gia tăng giữa hai miền Triều Tiên.
Nữ phát ngôn viên của Hàn Quốc cho biết, theo tuyên bố trên của Tổng thống Lee Myung-bak, chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét việc đưa cụm từ “kẻ thù chính” vào trong sách trắng quốc phòng của nước này, dự kiến được phát hành nửa cuối năm nay.
Trong bối cảnh “lò lửa” trên bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ, trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Trung Quốc, ông Vũ Đại Vĩ đã tới thủ đô Seoul để có các cuộc thảo luận với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac và Ngoại trưởng Yu Myung-hwan.
Ngày 25-5, hai bên đã nhất trí tham vấn và phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết hậu quả vụ đắm chiến hạm Cheonan. Ông Vũ Đại Vĩ cho biết Trung Quốc đã “xem xét nghiêm túc” kết quả cuộc điều tra vụ đắm tàu và phác thảo quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề này.
Chuyến thăm Seoul của ông Vũ Đại Vĩ diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh cho kế hoạch trừng phạt CHDCND Triều Tiên tại HĐBA LHQ. Chuyến thăm của ông Vũ diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự kiến vào ngày 28-5 tại Seoul. Sự ủng hộ của Trung Quốc là thiết yếu cho kế hoạch của Hàn Quốc bởi Trung Quốc là thành viên thường trực HĐBA.
Dư luận cho rằng Trung Quốc, một đồng minh của CHDCND Triều Tiên, có quyền phủ quyết và có thể ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào chỉ trích hoặc trừng phạt Bình Nhưỡng. Trung Quốc ngày 25-5 đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng thể hiện kiềm chế, đồng thời cho rằng đối thoại sẽ thích hợp hơn đối đầu. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 24-5 có thể làm gia tăng áp lực đối với Trung Quốc.
Ông Ban Ki-moon nói rằng “HĐBA sẽ có biện pháp thích đáng đối với tính nghiêm trọng của tình hình”. Trong khi đó, từ Điện Kremli, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn chặn làm leo thang cuộc khủng hoảng giữa hai miền Triều Tiên.
Trong lúc này, giới quan sát cho rằng “kỳ án Cheonan” chính là cái cớ để các bên giương oai diễu võ, dằn mặt lẫn nhau. Hàn Quốc không dại gì để chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên có thể nhấn chìm thành quả kinh tế của họ nhưng Nhà Xanh muốn bằng cách nào đó răn đe Bình Nhưỡng để lấy lòng cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ngay cả Mỹ cũng muốn lợi dụng chuyện này để Nhật Bản, cũng như những nước nào trong khu vực có ý định đẩy quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ của họ, thấy được sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á là rất quan trọng.
Ngày 26-5, theo kế hoạch Nhật Bản cùng với Mỹ và Hàn Quốc sẽ nhóm họp để thảo luận các biện pháp đối phó với Bình Nhưỡng.
X.Hạnh
Thông tin liên quan:
>> Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak: Hàn Quốc sẵn sàng các biện pháp phòng vệ
- Hàn Quốc sẽ trả đũa CHDCND Triều Tiên
- Đã có kết quả điều tra vụ chìm tàu Cheonan
- Hàn Quốc có bằng chứng chắc chắn kết luận ngư lôi của CHDCND Triều Tiên làm đắm tàu Cheonan
- Hàn Quốc: Người dân biểu tình đòi trả đũa vụ chìm chiến hạm Cheonan
- Hàn Quốc xác định thuốc nổ RDX trên tàu Cheonan
- Tổng thống Hàn Quốc ra lệnh tiến hành cuộc điều tra đa quốc gia vụ chìm tàu Cheonan
- Quân đội Hàn Quốc khẳng định: “Tàu Cheonan chìm là do trúng ngư lôi của CHDCND Triều Tiên”