Đồng 5 xu thời Việt Nam dân chủ cộng hòa là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất trong các loại tiền xu. Gọi là “các loại” cho đầy đặn nhớ thương chứ thật ra chỉ có ba đồng xu tất cả. 1 xu, 2 xu, 5 xu. Thế nhưng chẳng hiểu sao ngày trước lại có thành ngữ “Tiểu thuyết ba xu” để rẻ rúng văn chương? Không có đồng tiền 3 xu và 3 xu không phải là đơn vị thấp nhất của tiền tệ. Số 3 cũng không nằm trong hệ đếm thập phân của tiền tệ. Chỉ hai lần Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phát hành tờ giấy bạc 30 đồng vào năm 1981 và 1985, làm cho tình trạng hôn nhân có nhiều khủng hoảng. Vợ không đưa cho chồng đủ một trăm đồng chẵn nữa vì chỉ có trong túi toàn tờ ba chục.
Đồng 1 xu không mua được cái gì. Tự nó biến mất lúc nào không biết. Đồng 2 xu mua được một con tem gửi thư trong thành phố hoặc một chiếc ngòi bút lá tre cho trẻ con cấp 1. Đồng 5 xu thì bắt đầu to chuyện. Có thể đi tàu điện từ Bờ Hồ vào tận Hà Đông. Mua chiếc thước kẻ có chia milimét bằng gỗ sơn đỏ. Mua một bao diêm, ô mai, táo dầm ở cổng trường. Ăn một đĩa ốc luộc xin bốn lần nước mắm. Và 5 xu là giá của một chén nước chè thống nhất trên toàn miền Bắc suốt mấy chục năm liền.
Người Hà Nội gọi nước trà là nước chè cũng có cái lý của nó. Bởi vì nó được pha bằng búp cây chè sao khô. Trà là một cây khác hẳn. Nó được trồng chỉ để ngắm hoa. Hoa trà rất đẹp nhưng không có hương. Thế nên cụ Nguyễn Khuyến mới cám cảnh khi có người mang tặng hoa trà, “…Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi/ Đếch thấy hương thơm một tiếng khà”.
Chè chén 5 xu ở Hà Nội phát triển mạnh nhất vào nửa cuối những năm 60 thế kỷ trước. Khi mà chủ trương di dân Hà Nội lên các vùng kinh tế mới phía Bắc bắt đầu có những chuyển biến theo chiều ngược lại. Hồi cư. Người ta kéo nhau về đầy phố. Nhà cửa không còn. Vạ vật khắp các bến xe nhà ga và gầm cầu dẫn Long Biên. Đàn ông có sức lực xung vào đội quân bốc vác ngoài cảng Phà Đen và các nhà ga bến xe. Đàn bà lam lũ với đàn con lít nhít quanh quẩn bên quán nước chè vỉa hè. Chỉ vài phố trên khu Ba Đình nhiều công sở nhà nước thì mới không có hàng nước chè cố định. Nước chè bán trên ấy là những quán di động gọn nhẹ vài ba ghế gỗ con buộc vào chiếc làn tre. Chiếc đèn dầu buộc lên quai làn cùng với chiếc điếu cày ngắn. Ấm giỏ đặt trong làn cùng với phích nước và dăm chiếc chén quả hồng hoặc cốc thủy tinh ngắn. Đuổi đâu chạy đấy. Chủ yếu bán ngoài giờ hành chính.
Những bến xe, nhà ga là nơi tập trung hàng nước chè đông nhất. Lều lán dựng thành hàng dài. Ghế băng và bàn gỗ liền tủ. Bán suốt ngày đêm. Bến xe Kim Liên có nguyên con phố Nguyễn Quyền, sau lưng toàn hàng nước chè. Phố Trần Quý Cáp thông sang Ngô Sĩ Liên, sau lưng ga Hàng Cỏ cũng toàn hàng nước chè. Ngõ Tức Mặc gần cửa ga cũng vậy. Buổi tối ở những quán này đông đảo các môi son guốc nhọn, tiền thân của ngành cave về sau.
Vỉa hè những con phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo… tập trung khá đông hàng nước chè cố định. Không có biển hiệu nhưng quán nào cũng có tên gọi. Theo tên bà chủ hoặc con gái bà ấy. Cạnh tranh khá lành mạnh bằng duy nhất chất lượng nước chè. Nước sôi đun tại chỗ bằng bếp củi mùn cưa. Chè Thái Nguyên đong đúng hai miệng chén quả hồng cho một ấm tích rót ra đủ mười tám chén là phải thay chè mới. Bã chè đổ ngoài gốc cây chiều tối có người đến lấy mang về nuôi thỏ. Thịt thỏ ngày ấy ở Hà Nội rất ngon, chẳng biết có phải vì chúng được ăn bã chè?
Cái bàn hàng nước chỉ rộng hơn một mét vuông bày đến bốn mươi mặt hàng. Vài lọ kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi và ô mai các loại. Hũ bánh rán mật vàng già lỗ rỗ tổ ong. Bánh rán đường kính bám lấm tấm mươi hạt đường sống. Bánh chưng, bánh gai và hoa quả mùa nào thức ấy. Trứng vịt luộc. Mươi gói thuốc Lào và diêm. Hộp lạc rang bán kèm với rượu trắng giấu trong tủ hàng bên dưới. Hàng nước nào cũng có rượu và rượu nào cũng pha nước. Hộp thuốc lá đựng thuốc bao và thuốc cuốn giấy Con gà có nắp kính khóa móc treo. Không thể thiếu chiếc điếu cày, ngọn đèn dầu và ống đóm diêm. Nhiều hàng nước chiếc điếu cày kêu như một thương hiệu. Điếu tắc là mất khách.
Học trò xứ Nghệ vào quán bà Điếc ở cổng trường Mỹ thuật Yết Kiêu dõng dạc hô: “Xin bà chụ một bỏ Con ga, đập phả đi đồng hương. Ngản đẻo di đơi”. Chè chén chỉ 5 xu một chén nhưng có chàng sinh viên ghi nợ đến chục đồng. Vị chi là hai trăm chén. Cũng có anh ghi nợ bằng tên hiệu trưởng. Đầu tháng lĩnh lương, bà Điếc mặc áo dài vấn khăn nhung the vào tận trường hỏi thăm đúng tên hiệu trưởng đòi tiền. Bà Điếc đương nhiên nói rất to. Hỏi thăm của bà ấy cũng đủ cho toàn trường nghe thấy, kể cả ông hiệu trưởng.
Thợ văn, thợ thơ, thợ vẽ, thợ báo, thợ xây, thợ điện và công chức nghèo tụ tập ở quán nước bên trong hàng rào góc Nguyễn Du-Quang Trung. Quán nước của vợ một nhà văn lão thành nổi tiếng. Chè ngon. Nhìn ra góc phố bên hồ Hale vào loại đẹp nhất của thủ đô. Rất lạ là quán đủ hạng người nhưng vào đấy ai cũng đều trật tự lịch lãm. Văn học rõ ràng có ảnh hưởng tích cực đến quán nước chè.
Sau ngày đổi tiền 3-5-1978, đồng 5 xu vẫn lưu hành cùng với quán nước chè. Nó dần biến mất khi đồng tiền mất giá nghiêm trọng vào đầu những năm 80. Và cũng thật lạ, số phận của đồng tiền xu ấy luôn gắn liền với nước chè chén. Không còn tiền xu cũng là lúc các quán nước vỉa hè dẹp đi gần hết.
Quán nước chè Hà Nội hình như là chiếc nhiệt kế đo thời tiết ấm lạnh của nền kinh tế thủ đô. Dạo này ở Hà Nội lại bắt đầu mọc ra nhan nhản các quán nước chè. Thế nhưng đồng tiền xu mới phát hành vào năm 2004 bây giờ chỉ có thể tìm thấy trong thùng đồ chơi của trẻ con dù mệnh giá của đồng lớn nhất đã là 5 ngàn. Tiền xu đã thật sự chia tay với nước chè?
11-2013
ĐỖ PHẤN