Tại Cà Mau, người nuôi tôm thường đặt “lú thưa” để bắt tôm sú có kích cỡ lớn và bán được giá cao. Tôm nhỏ chừa lại thu hoạch dần. Mới đây, nông dân Huỳnh Văn Hiền, ở ấp Hòa Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), đã phát minh được lú bắt “tôm còi”.
Anh Hiền cho biết: “Thấy nhiều chủ nuôi tôm công nghiệp đến than vãn tôm nuôi trong đầm không được đều, tỷ lệ tôm lớn, tôm còi lẫn lộn nên khi thu hoạch giá bán rất thấp”.
Từ thực tế đó, anh Hiền nhiều đêm nghiền ngẫm và mò mẫm thiết kế lú. Kết quả, cái lú có thể bắt đến 90% số tôm chậm lớn trong đầm. Nhờ đó, sau khi thu hoạch tôm nuôi sẽ có kích cỡ đều đặn, giá bán cũng cao hơn. Nhiều chủ đầm nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau hay tin đã tìm đến nhờ anh Hiền làm lú để lược tôm “còi”.
Để bắt được số tôm “còi”, dân ở đây thường dùng “mèo dừa”, tức bông dừa khô để lược tôm còi cọc, chậm lớn. Nhưng cách làm đó vừa tốn công sức, vừa mất thời gian nhưng hiệu quả không cao. Bởi vậy, khi hay tin anh Hiền sáng chế ra được cái lú bắt tôm “còi”, nhiều người đã tìm đến mua khá đông.
“Tôm nuôi hiện tại của tôi hơn 4 tháng tuổi, kích cỡ tôm lớn khoảng 40 - 45 con/kg, trong đó còn một số tôm nhỏ trong đầm kích cỡ từ 80 - 120 con/kg. Tôi đặt 2 ngày, bắt được 30kg tôm chậm lớn”, anh Hà Văn Hùm ở xã Tạ An Khương Nam nói.
Tỉnh Cà Mau có trên 1.000ha nuôi tôm công nghiệp, năng suất đạt từ 5 - 7 tấn/ha. Vì vậy, việc phát minh ra lú bắt tôm “còi” sẽ giúp chủ đầm tôm công nghiệp đỡ tốn công sức và thời gian lược tôm, tăng cao lợi nhuận.
NHẤT THIÊN