Tuy nhiên, tiến độ CPH DNNN những tháng đầu năm vẫn không có nhiều cải thiện, Bộ Tài chính đánh giá “rất chậm”. Điều này dẫn đến nguy cơ về việc không hoàn thành kế hoạch đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính).
- PHÓNG VIÊN: Trong 6 tháng đầu năm, có 6 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH (trong đó chỉ có một DN thuộc danh mục phải CPH theo kế hoạch). Lũy kế từ năm 2017 đến nay, mới CPH 35/127 DN theo kế hoạch (đạt 28%), số còn phải CPH là 92 DN (tương ứng 72% kế hoạch). Tốc độ chậm chạp này được nhắc đến nhiều lần và đã có các giải pháp nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Theo ông, nguyên nhân tại sao?
>> Ông ĐẶNG QUYẾT TIẾN: Về khách quan, các DNNN đang tiến hành CPH là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, tình hình tài chính còn nhiều vấn đề cần xử lý, mất thời gian, đặc biệt là tài sản đất đai. Bên cạnh đó phải kể đến yêu cầu về chất lượng, trách nhiệm của các cơ quan tư vấn, thẩm định giá tăng lên nên họ cần thời gian để hoàn thiện. Ngoài ra, việc CPH DNNN lớn cũng có nghĩa là một lượng hàng hóa nhiều sẽ được đưa ra, đòi hỏi nguồn vốn hấp thụ lớn, trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn quan ngại về tính công khai, minh bạch của DNNN.
Về chủ quan, như nhiều năm trước, nguyên nhân đến từ khâu tổ chức thực hiện và nhận thức có vấn đề; vẫn còn tư tưởng ngại trách nhiệm, rủi ro. Ví dụ như việc xử lý tài chính trước khi CPH hay định giá đầy đủ khi thoái vốn. Nhiều lãnh đạo DN ngại khi lật lại những vấn đề này, vì khi đó các tồn tại, yếu kém trong quản lý tài sản, tài chính, đất đai sẽ gắn với trách nhiệm người được nhà nước giao vốn. Chưa kể, những tồn tại về tài chính như nợ khó đòi, hồ sơ chứng từ thiếu và để quá lâu đã khiến việc xử lý mất nhiều thời gian.
Sau khi có Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN cũng như Nghị định 126 (về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần), DN phải có phương án sử dụng đất được phê duyệt công khai trước khi tiến hành CPH. Điều này để đảm bảo 2 việc: tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đất đai; công khai, minh bạch, tránh thất thoát trong CPH gắn với sử dụng hay mục đích sử dụng đất. Thế nhưng, nếu chính quyền địa phương chậm công bố quy hoạch đất, chậm ban hành bảng giá đất thì DN sẽ khó khăn trong việc đưa ra phương án sử dụng đất, từ đó định giá trị DN chậm, cũng như không có căn cứ để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước về đất đai. Ví dụ, ở nhiều DN, đất đai hiện là nhà xưởng nhưng nếu chỉ định giá hiện tại theo giá trị đất là nhà xưởng, sau này nơi đó trở thành đô thị, nơi xây cao tầng… thì giá trị sẽ chênh lệch lớn, khi đó Nhà nước sẽ bị thiệt. Do vậy, khi chưa rõ quy hoạch, DN không dám định giá đất vào giá trị DN ngay nên cứ phải chờ. Tôi cho rằng, những vướng mắc trong đất đai chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, trong tổ chức thực hiện chứ không phải từ cơ chế. Luật Đất đai, các nghị định quy định chi tiết cũng như hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được quy định đầy đủ. Vướng mắc chủ yếu đến từ sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Những năm trước, chúng ta đã tiến hành CPH nhiều DNNN lớn và thành công. Rõ ràng, nếu làm quyết liệt thì các khó khăn, vướng mắc đều có lời giải. Vì thế, theo tôi, trong chậm CPH DNNN, nguyên nhân chủ quan là chính.
- Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã không hài lòng về tình trạng đùn đẩy, xin ý kiến lòng vòng và yêu cầu các cơ quan liên quan phải làm đúng và nhanh việc CPH. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm. Câu hỏi đặt ra ở đây là dường như chế tài cho những người đứng đầu để CPH DNNN chậm chưa đủ mạnh nên tình hình vẫn chưa được cải thiện?
Việc xin ý kiến lòng vòng là do thiếu trách nhiệm trong nghiên cứu, chấp hành quy định. Thời gian qua chúng tôi đã nhận được nhiều văn bản đề nghị hướng dẫn nhưng thực tế, những vướng mắc đó đã có hướng dẫn đầy đủ. Trên thực tế, tại nhiều địa phương có tình trạng DN chây ỳ CPH nên “mượn cớ” vướng mắc để hỏi cơ chế, chính sách. Đó chính là kiểu lòng vòng trong xin ý kiến. Để khắc phục điều này, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường tập huấn cho các địa phương, DN. Khi đã tập huấn, hướng dẫn mà DN vẫn cố tình không hiểu thì cần phải có biện pháp xử lý kỷ luật. Một trong những “căn bệnh” trước đây là mỗi khi Chính phủ nói sửa cơ chế là xảy ra tình trạng chờ đợi. Song bây giờ, tinh thần của Chính phủ, cơ chế chính sách đã có đầy đủ, các cơ quan liên quan, DN phải có trách nhiệm thực hiện. Việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung chỉ là làm rõ vấn đề phát sinh mới chứ không phải vấn đề đã có.
Về giải pháp, đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai các cơ quan, đơn vị triển khai chậm và phải chỉ ra chậm là do khâu thực hiện hay chính sách. Và, để làm đúng, nhanh, tôi cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan chủ sở hữu, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, UBND tỉnh, thành phố là rất lớn. Tôi được biết, tới đây, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN sẽ tập hợp những tồn tại, bất cập trong CPH để báo cáo Thủ tướng. Những vấn đề cần chấn chỉnh sẽ có công văn tới từng địa phương.
- Như ông đã nói ở trên, nếu đã xác định được nguyên nhân chủ quan thì rõ ràng phải quy được trách nhiệm người đứng đầu như đại diện cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, lãnh đạo DN, thưa ông?
Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 về công tác sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn. Chỉ thị đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại DN. Tôi cho rằng, trong vấn đề trách nhiệm và gắn trách nhiệm người đứng đầu cần được tăng cường hơn nữa mới đẩy nhanh được tiến độ CPH DNNN.
Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo về xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề thất thoát, chậm CPH và theo chương trình hành động của Chính phủ thì Bộ Nội vụ sẽ là người cầm cân nảy mực trong việc công bố các trường hợp vi phạm cần xử lý. Hiện nay, việc thực hiện Chỉ thị 01 mới được 6 tháng nên chưa đủ thời gian để nói về việc công bố, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Tôi nghĩ, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm CPH DNNN sẽ được công bố vào cuối năm nay. Khi công bố rồi thì đó sẽ là bước đột phá để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu DN và cơ quan chủ sở hữu trong thực thi CPH và thoái vốn.
- Về cơ chế, chính sách, hiện nay, theo ông, đâu là những điểm còn vướng mắc và Bộ Tài chính sẽ rà soát, sửa đổi ra sao?
Chúng tôi đang rà soát các văn bản liên quan, chỉnh sửa những câu chữ có thể tạo ra các cách hiểu khác nhau trong thực hiện. Hiện chúng tôi cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương xem có những bất cập gì hay không trong Nghị định 126; Nghị định 32 (về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN). Tuy nhiên, qua ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chúng tôi chưa thấy có phát sinh vấn đề gì mới.