Chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nội chưa vội mừng

Chỉ cung ứng sản phẩm đơn giản
Chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp nội chưa vội mừng

Thông tin từ Tập đoàn Samsung, đã có 3 doanh nghiệp (DN) TPHCM được chọn cung ứng sản phẩm phụ trợ cho nhà máy Samsung đặt tại Khu Công nghệ cao (quận 9). Đây là tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét chủng loại sản phẩm mà DN nội được chọn cung ứng, có lẽ chưa vội mừng…

Mô hình mới cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đặc biệt ngành điện tử là liên kết với doanh nghiệp FDI hiện đại Ảnh: THÀNH TRÍ

Chỉ cung ứng sản phẩm đơn giản

Ba DN này gồm Công ty TNHH Nhựa Phước Thành và Công ty Minh Đạt cung ứng linh kiện nhựa, Công ty In bao bì Ngân Hà cung ứng bao bì. Theo Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Phó ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, công nghiệp hỗ trợ cung cấp phụ kiện, cụm thiết bị, bao bì… cho các ngành sản xuất công nghệ cao sẽ là vô nghĩa về mặt kinh doanh hay không thể đạt được giá trị gia tăng cao nếu sản lượng quá nhỏ. Thông thường, các DN hỗ trợ được đặt hàng với số lượng hàng trăm ngàn đơn vị trở lên. Đặc biệt trong ngành điện tử, có những linh kiện, mạch in... mà đơn hàng lên đến trên 1 triệu đơn vị hay đến vài trăm triệu đơn vị. Sản lượng cần đủ lớn ở mức nhất định là điều kiện để DN nhanh chóng đạt thời điểm hòa vốn và bắt đầu có lãi.

Tuy nhiên, để đầu tư một dây chuyền sản xuất chính xác, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu rất khắt khe của các tập đoàn lớn thường cần một chi phí khá lớn. Nếu dựa trên tiềm lực của DN vừa và nhỏ nước ta thì rất khó đáp ứng. Đơn cử, để có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung, Công ty TNHH Nhựa Phước Thành đã đầu tư xây dựng nhà máy mới chuyên sản xuất linh kiện nhựa với tổng vốn hơn 70 triệu USD. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, hiện số lượng các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho Samsung còn thấp, chiếm chưa đến 10%.

Một vấn đề khác, sản phẩm mà ba DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng Samsung chỉ là sản phẩm đơn giản, có giá trị gia tăng thấp. Hiện những linh kiện tinh vi, tinh xảo, hàm lượng giá trị gia tăng cao chủ yếu vẫn thuộc về các DN 100% vốn Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam như Rftech Vina, Hosiden, Chung Dang, Bokwang... Với thực lực hiện nay,  nhiều DN nội không thể nhận những đơn hàng đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao, do quy mô sản xuất nhỏ, thiết bị thế hệ cũ. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như uy tín thương hiệu, yêu cầu cao về thời gian giao hàng, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm nhanh thay đổi…

Nguồn nhân lực: yếu tố quan trọng nhất

Mô hình mới cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử chính là liên kết sản xuất với các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, những chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay của nước ta lại chưa khuyến khích được vấn đề này, vì chỉ thiên về ưu đãi đầu tư như thuế, đất đai, lao động… Chính sách chưa tập trung vào hai vấn đề quan trọng nhất cho phát triển công nghiệp hỗ trợ là đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ từ tập đoàn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến các DN công nghiệp hỗ trợ địa phương.

Ông Dương Minh Tâm nhấn mạnh, có ý kiến cho rằng những vấn đề trên đều khó triển khai tại nước ta từ cả hai phía là nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu nhìn kinh nghiệm phát triển của Thái Lan, Malaysia cho thấy họ cũng gặp các khó khăn như chúng ta, nhưng sự đầu tư đột phá từ phía chính phủ cho hai vấn đề trên đã giúp họ phát triển rất mạnh ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo các linh kiện điện tử cao cấp, cảm biến, một số chip vi xử lý cho công nghiệp, đúc thân máy động cơ ô tô và chế tạo toàn bộ linh kiện của xe đời mới Toyota... Và trong khi chờ Chính phủ Việt Nam cải thiện chính sách, hiện các Tập đoàn Samsung, Intel… đang liên kết với trường đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề để xây dựng chương trình đào tạo đa dạng không chỉ cho sinh viên, nhân viên mới mà còn dành cho toàn bộ đội ngũ nhân viên ở mọi cấp bậc trong suốt quá trình làm việc tại công ty. Điều này cũng có thể coi là đóng góp lớn của một tập đoàn nước ngoài trong quá trình đào tạo nhân lực tại Việt Nam, khi hệ thống giáo dục trong nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

Điều này cũng cho thấy, các tập đoàn FDI không thể đi theo con đường thâm dụng lao động để tối đa hóa lợi nhuận khi đầu tư tại các nước có lao động trẻ như nước ta. Do vậy, trong bối cảnh nội lực DN nước ta còn yếu, thì DN nội cần chủ động tạo sự liên kết sản xuất với các tập đoàn lớn. Quá trình cộng sinh tốt nhất là các tập đoàn FDI sẽ từng bước chuyển giao cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề đặt ra là năng lực nội sinh về công nghệ của DN nội, hay nói cách khác là khả năng tiếp thu công nghệ mới trên thế giới. Năng lực này không phải chỉ là mua sắm trang thiết bị hiện đại mà vẫn là con người. Công nghệ luôn thay đổi phát triển nên khi nắm bắt công nghệ mới, DN nội phải có lực lượng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Có như vậy mới giữ vững được các đơn hàng ngày càng tăng khi luồng đầu tư FDI vào nước ta ngày càng nhiều.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục