
Nói đến hai chữ “văn minh” có người cho đây là chuyện “sâu xa”, “rộng lớn” nhưng thật ra nó là một phần rất nhỏ trong hành động và ứng xử của mỗi chúng ta. Cụ thể như khi ra đường, băng qua con lộ rộng lớn, chúng ta chỉ cần chấp hành đi theo vạch sơn đã quy định của ngành giao thông vẽ sẵn ở mỗi giao lộ thì không phải lo sợ tai nạn xảy ra.
Hoặc nhìn thấy người lớn tuổi hay người khuyết tật cùng qua đường với mình thì phải giúp đỡ để họ qua đường an toàn. Đối với người lái xe, chỉ cần “chậm một giây hơn gây tai nạn” như một khẩu hiệu về an toàn giao thông đã nêu ra thì chẳng những tránh được tai nạn cho nhiều người mà còn cả cho mình.

Những đống rác lộ thiên như thế này xuất hiện nhan nhản trên hè phố, mà không ai bị xử phạt. Ảnh: T.C.
Tôi từng sang Nhật du lịch và nhận thấy ý thức chấp hành luật giao thông của người dân bên ấy rất đáng học tập. Khi hướng lưu thông đang đèn đỏ và hướng đèn xanh không có chiếc xe nào nhưng người đi bộ vẫn không qua đường, mà chờ cho đến khi đèn xanh bật lên họ mới băng qua.
Không chỉ có thế, các loại xe ô tô cũng nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, không bao giờ “vượt đèn đỏ” như chuyện thường thấy ở bên ta.
Tôi đã từng “bị chửi” khi dừng tại ngã ba có đèn đỏ. Trong khi các xe đều dừng chờ đèn, lúc đó có hai thanh niên đi xe gắn máy từ sau len lên (cố tình vượt đèn đỏ) phải thắng lại vì bị tôi dừng phía trước “cản đường”.
Chẳng nhận ra lỗi, họ còn hùng hổ “mắng” tôi là “ông già muốn chết hả?”. Tôi đáp trả “đèn đỏ mà các cháu nói gì vậy?”, thì lập tức một tên lái xe nhảy xuống văng tục và đòi đánh tôi. Chẳng muốn đôi co có thể thiệt thân, tôi vội chạy thẳng.
Thế đó, hành vi ứng xử thiếu văn minh trong giao thông vẫn còn nhan nhản và tạo ra những cảnh tượng khó coi trong mắt người dân TP, trong khi chính các bạn trẻ phải là người góp phần tích cực trong việc xây dựng một nét văn minh đô thị; hành xử, ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng. Nếu ai cũng tự giác, ý thức chấp hành luật pháp thì xã hội sẽ không phải tốn nhiều công sức cải tạo môi trường, giải quyết những hậu quả nghiêm trọng do sự thiếu ý thức gây ra.
VŨ HUYỀN ĐAM
Học kinh nghiệm quản lý vệ sinh công cộng của Singapore
Như báo chí đã phản ánh, Luật Lao động công ích của Singapore đã xử phạt hơn 30.000 người vì tội xả rác bừa bãi nơi công cộng. Ngoài xử phạt lần đầu (tương đương 2,2 triệu đồng tiền Việt Nam), những người vi phạm vệ sinh nơi công cộng từ lần hai trở đi hoặc xả rác thải gây hại cho cộng đồng như tàn thuốc lá, giấy gói thức ăn, cốc nhựa, các lon đồ uống... buộc phải lao động công ích dọn dẹp vệ sinh đường phố.
Tôi thấy đây là kinh nghiệm hay, các ngành chức năng nên nghiên cứu và áp dụng cho TP. Thực tế cho thấy sau 1 năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, xả rác, xà bần nơi công cộng vẫn còn khá phổ biến. Do vậy, TPHCM phải tăng mức phạt đối với người vi phạm và buộc những người đổ rác, xà bần nơi công cộng phải lao động công ích dọn dẹp vệ sinh đường phố hoặc nạo vét kênh rạch, cống rãnh nếu mức độ vi phạm nặng hơn.
Đối với những người vi phạm trật tự an toàn giao thông đô thị, ngoài xử phạt hành chính nên có quy định buộc người vi phạm phải ra đường giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở các giao lộ trong một thời gian nhất định, tùy theo mức độ sai phạm. Để tạo được dấu ấn, nền nếp thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong năm 2009, chính quyền và các ngành chức năng ở TPHCM phải đề ra các giải pháp cụ thể, mạnh tay hơn để uốn nắn những thói quen, hành vi xấu.
BÍCH NGỌC