Nợ công, chi ngân sách vượt quy định, bất hợp lý các trạm thu phí BOT… là những vấn đề nóng tại buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 diễn ra ngày 26-8, tại Hà Nội.
Nợ lớn nhưng có thể còn chưa tính đủ
Theo KTNN, dư nợ công đến 31-12-2014 là 2.284.882 tỷ đồng, bằng 58,02% GDP, tăng 333.377 tỷ đồng so với năm 2013. Trong đó, nợ Chính phủ 1.826.777 tỷ đồng, bằng 46,4% GDP, chiếm 79,95% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh 422.640 tỷ đồng, chiếm 18,5% nợ công; nợ chính quyền địa phương 35.465 tỷ đồng, chiếm 1,55% nợ công.
Dù đánh giá các chỉ tiêu nợ công năm 2014 so với GDP trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép; các nghĩa vụ nợ của Chính phủ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn; tỷ trọng nợ trong nước của Chính phủ tăng…, nhưng kết quả kiểm toán cho thấy, nợ công và công tác quản lý nợ công vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lắp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh; công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo. Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để KTNN xác nhận số dư nợ công đến 31-12-2014 tại báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014.
Cũng theo KTNN, trong vấn đề quản lý các danh mục nợ, việc giao kế hoạch vốn ngoài nước tại Quyết định số 2011 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn. Đây là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch ngân sách đã được Quốc hội quyết định.
KTNN cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế là Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng niên độ; 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản; các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất; nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp; một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay, không bố trí đủ dự toán để trả nợ…
Về chi tiêu ngân sách, cũng xảy ra tình trạng chi vượt quy định. Năm 2014, một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. KTNN đã kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương còn cấp bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương nhưng thực tế không có mục tiêu, nội dung chi cụ thể, địa phương đã hòa chung để bổ sung cân đối 715 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP về tình trạng chi vượt, ông Đào Văn Dũng cho biết, nguyên nhân chung nhất là một số định mức, tiêu chuẩn chưa phù hợp với thực tiễn nên vận hành có sai sót.
Sơ hở trong các dự án BOT
Đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra không ít hạn chế, bất cập. Đó là do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ nên dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của các nhà đầu tư chỉ dựa trên kết quả khảo sát thực tế ngắn ngày hoặc tham khảo các hợp đồng tương tự đã thực hiện, dẫn đến khó xác định được tính đúng đắn của phương án tài chính. Bên cạnh đó là bất cập về tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết; khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý... nên cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.
Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho biết, qua kiểm toán, các trạm thu phí bố trí đúng quy định hiện hành (khoảng cách tối thiểu 70km). Tuy nhiên, nếu khoảng cách dưới 70km thì nhà đầu tư phải thỏa thuận với địa phương và báo cáo Bộ Tài chính. Dù các nhà đầu tư làm đúng điều này nhưng do “cơ chế mềm” đã có những nơi trạm thu phí cách nhau chỉ 40km; hay như mới chỉ quy định khoảng cách trạm thu phí trên 1 tuyến nhưng ra khỏi trạm thu phí tuyến này thì lại gặp ngay trạm thu phí tuyến khác.
Về vấn đề làm sao để rà soát chặt chẽ việc đầu tư, thu phí hoàn vốn để loại bỏ những bất hợp lý từ đó rút ngắn thời gian chuyển giao, theo ông Ngô Văn Quý, phương án tài chính ban đầu để ký BOT giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư là tạm thời. Phương án chuẩn hóa chỉ khi dự án hoàn thành và quyết toán. KTNN khi tiến hành kiểm toán thì sẽ xác định thu phí của dự án, rà soát chỉ tiêu đầu vào, từ đó cùng nhà đầu tư để tính toán lại phương án tài chính điều chỉnh và có thời gian thu phí điều chỉnh.
NGỌC QUANG