Bằng mô hình “Từ lâm tặc thành người giữ rừng”, hơn 90% hộ dân thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế dường như tìm ra được “chìa khóa” mở hướng giữ rừng.
Trả nợ rừng...
Lần theo giới thiệu của Phòng Quản lý và Bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đến thôn Thủy Yên Thượng xem mô hình “biến lâm tặc thành người giữ rừng”. Trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Huỳnh Ngọc Tô - Đội trưởng đội bảo vệ rừng của thôn rất phấn khởi về việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định ứng trước gần 100m3 gỗ từ quy chế hưởng lợi trong quản lý và bảo vệ 404,5ha rừng. Điều này không chỉ giúp 450 hộ dân trong thôn từng bước xóa đói giảm nghèo mà còn thay đổi nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ rừng.
Từng là tay “lâm tặc” khét tiếng, ông Huỳnh Ngọc Tô, nhớ lại: “... Cứ xong việc đồng áng, hơn 90% lao động trong thôn lại cơm đùm cơm nắm mang theo giáo mác, cưa các loại hành quân vào rừng nguyên sinh để “xẻ thịt lột da” các cây gỗ quý. Gặp cây hai ba người ôm không xuể, người trong thôn hợp lực tung “chiêu” cực độc là dựng dàn để lần lượt “cạo trọc” từng cành cây tán rộng hàng trăm mét vuông. Tiếp đó, dùng cưa thủ công xẻ những khối gỗ dày 10-15cm, dài 2,5-3m từ lớp vỏ ngoài tiến dần vào lõi cây. Đoạn thân cây cách mặt đất chừng 2m với đường kính hơn người ôm thì một nhóm trong đội cưa nhanh chóng dùng dây thừng kéo phần ngọn về vị trí cần hạ, bộ phận còn lại tiếp tục cưa cắt gốc cây... Khi rừng xanh bạt ngàn phát ra vệt nổ lớn như tiếng bom, nghĩa là cây đã bị hạ gục. Lúc này, hàng ngàn cây gỗ xung quanh đổ gãy theo cây cổ thụ, đè dập chồng chất lên nhau”.
Từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có kế hoạch tiếp tục chuyển thêm 30.000ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp do UBND các địa phương đang quản lý cho các cộng đồng, hộ gia đình bảo vệ, chăm sóc và hưởng lợi theo Quyết định 178/TTg của Chính phủ. Theo đó, thời hạn giao rừng và đất lâm nghiệp là 50 năm. Chính sách hưởng lợi căn cứ vào lượng tăng trưởng của rừng (rừng nghèo kiệt hưởng 100% phần tăng trưởng, rừng phục hồi sau nương rẫy hoặc sau khai thác với cây gỗ có đường kính phổ biến dưới 20cm được hưởng từ 70% - 80%...). Ngoài ra, người dân còn được hưởng lợi từ các lâm sản phụ ngoài gỗ như mây, tre, giang. |
Trăn trở bài toán lực lượng mỏng, một số người bất chấp luật pháp tàn phá rừng mọi lúc mọi nơi, Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế sau nhiều lần họp bàn đã quyết định cử người về cùng ăn, cùng ở với “đội quân” phá rừng thôn Thủy Yên Thượng và nhận thấy, một trong những nguyên nhân là họ còn nhiều khó khăn. Mặt khác, với quan điểm rừng… “vô chủ” nên nhiều người vô tư đốn gỗ, đặt bẫy săn bắt động vật hoang dã.
Từ năm 2000, kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã có sáng kiến táo bạo khi tham mưu cho UBND tỉnh ý tưởng “biến lâm tặc thành người giữ rừng” bằng mô hình giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn này quản lý. Đây là ý tưởng có trước Quyết định 178/TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế giao rừng cho người dân trực tiếp quản lý nên lúc đó chưa có khung pháp lý thực hiện.
Tuy nhiên, bằng sự giúp đỡ tích cực của tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm các chính sách, giải pháp bảo vệ rừng bền vững quốc tế FROFOR, UBND tỉnh và các cấp, ban ngành liên quan, cán bộ kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương giải thích về nghĩa vụ bảo vệ rừng cho từng hộ dân. Các trưởng lão trong thôn nghe hợp lý đã tập trung con cháu ngồi lại bàn thảo và cho ra đời bộ “hương ước bảo vệ rừng” hay còn gọi “hương ước trả nợ cho rừng” với những quy định nghiêm ngặt. Lễ “đóng cửa rừng” với đầy đủ tính chất trang nghiêm được thôn đứng ra thực hiện. Và từ đó rừng được quản lý chặt chẽ bằng chính tai mắt của người dân sống ven rừng.
... nhà nhà giữ rừng
10 năm liên tục, 404,5ha rừng thuộc các tiểu khu 1156, 1174 do chính những người vốn là “lâm tặc” ở thôn Thủy Yên Thượng trực tiếp quản lý và bảo vệ chưa hề xảy ra một vụ phá rừng và sinh khối rừng có chiều hướng tăng trưởng tốt. Hàng ngày, người dân trong thôn vào rừng chăm sóc cây rừng như khu vườn riêng của gia đình, đồng thời khai thác lâm phụ sản từ gỗ, mây tre lứa, mật ong và cá rừng với thu nhập bình quân từ 20.000 - 30.000 đồng/ngày/lao động. Ngoài ra, thông qua các dự án xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững được Chính phủ và các tổ chức quốc tế tài trợ, người dân thôn Thủy Yên Thượng đã cùng nhau xây dựng được hệ thống điện - đường - trường - trạm, hình thành tour du lịch rừng nguyên sinh, tham gia trồng và phát triển diện tích rừng tại những quả đồi trọc, đồi ven rừng nguyên sinh...
Vậy là, từ điểm sáng giữ rừng của thôn Thủy Yên Thượng, UBND tỉnh đã quyết định bàn giao thêm 10.982ha rừng tự nhiên cho một số cộng đồng với hàng vạn hộ gia đình ven rừng trên địa bàn quản lý, chăm sóc và hưởng lợi.
VŨ VĂN THẮNG