Một nửa trang báo giấy, nhưng trong đó chất chứa bao mảnh đời không may mắn, hàng ngàn phận người cơ nhỡ và cả triệu tấm lòng nhân ái luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần bằng nghĩa tình đồng bào cao cả, để cùng mang lại cho nhau niềm vui và lòng tin yêu cuộc sống con người trong suốt một năm qua…
Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng nhóm bác sĩ thiện nguyện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo ở Vĩnh Long
Những chuyện đời quanh tôi
Đó là những câu chuyện rất đời thường nhưng ẩn chứa trong đó bao tấm lòng nhân ái cao cả. Ngoài các chủ doanh nghiệp, người làm ăn khấm khá, các tổ chức xã hội biết quan tâm đến những phận đời không may mắn; còn có cả những người lao động nghèo, một nắng hai sương, chưa có cuộc sống dư dả cho mấy nhưng luôn đau đáu với nỗi đau, bất hạnh của những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, những hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo không tiền chữa trị…
Tham gia công tác hội phụ nữ từ năm 2003, bà Lưu Thị Tâm (ngụ ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM) là một tổ trưởng phụ nữ năng nổ trong nhiều hoạt động xã hội. Được sự tín nhiệm của chị em, bà Tâm được bầu làm Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc xã Bình Chánh.
Với ý thức cần kiệm và lòng nhân ái, bà Tâm vận động các phụ nữ trong tổ thực hành tiết kiệm để góp quỹ làm từ thiện. Bà cũng nêu gương bằng việc mỗi sáng bỏ vào ống heo đất 10.000 đồng. Tiền bồi dưỡng hàng tháng từ công tác tổ trưởng nhân dân cũng được bà dùng “nuôi” heo đất. Mỗi năm “mổ” heo thì bà luôn là người “nuôi heo giỏi”, do số tiền tiết kiệm luôn nhiều nhất. Với số tiền tiết kiệm này, bà dùng vào việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hay những gia đình bị thiên tai. Hàng tháng, bà Tâm còn tự nguyện giúp đỡ 70 hộ nghèo trong xã với những phần gạo đầy ân tình. Hàng năm, vào những ngày gần Tết Nguyên đán, bà Tâm luôn tất bật lo toan sắm sửa những gói quà tặng các hộ nghèo, người già neo đơn. Từ những năm đầu tặng khoảng 200 phần quà tết, nay bà Tâm đã tăng lên hơn 350 phần.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí quyết vươn lên, bà Lã Thị Y (66 tuổi, ngụ tại thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) đã nuôi dạy 4 con khôn lớn nên người và trở thành một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm qua, với mô hình chuyên trồng mãng cầu ta trái vụ, thu nhập bình quân hàng năm trên 600 triệu đồng. Khi cuộc sống đã tương đối đủ đầy, không quên những tháng ngày cơ cực, bà Y luôn sẵn sàng sẻ chia với người nghèo. Nhiều năm qua, gia đình bà đã giúp trên 1.000 cây giống mãng cầu ta cho hộ nghèo; hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mãng cầu ta trái vụ miễn phí với nông dân và nhiều người hỗ trợ trả chậm tiền mua thức ăn chăn nuôi...
Giữa năm 2017, các y bác sĩ làm việc tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã luân phiên chia nhau chăm sóc một bé gái sơ sinh. Theo lời chị Đỗ Thị Hồng Yên (nữ hộ sinh trưởng), đêm ấy là ca trực của chị. Trong lúc các bà mẹ khác cho con bú rồi chuẩn bị đi ngủ thì mẹ của bé gái sơ sinh vội vã chạy xuống cổng bệnh viện bắt xe đi không lời từ biệt. Cháu bé bị mẹ bỏ rơi, không người thân thích chăm sóc, được bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên, Trưởng khoa Phụ sản, đặt cho tên Ruby, với mong mỏi cháu bé sẽ được nâng niu như viên ngọc sáng.
Từ ngày có Ruby, Khoa Phụ sản của bệnh viện luôn chộn rộn tiếng bước chân người ra vào nói cười. Các nữ hộ sinh tận tình chăm sóc Ruby như chính con mình. Tại giường ngủ của Ruby bao giờ cũng có 3 - 5 nữ hộ sinh túc trực; mỗi người một tay cùng nhau thay tã, tắm giặt cho bé. Thương Ruby, chị em tự nguyện chia phần sữa, dùng máy hút ra bình cho cháu và cứ thế chia nhau thời gian rảnh để chăm sóc cháu. Hình ảnh bé Ruby bụ bẫm, kháu khỉnh và đáng yêu đã xua đi bao áp lực, mệt mỏi trong công việc của các y bác sĩ. Ngày nào các nữ hộ sinh chăm sóc Ruby cũng nói cười với cháu; họ luôn chờ đợi một phép màu nào đó đưa thân nhân của cháu đến bệnh viện, nhưng vẫn không thấy ai. Sớm mai nào cũng chỉ có tiếng bước chân các bác sĩ đến khám, rồi từ trưa đến tối Ruby nằm trong vòng tay các nữ hộ sinh. Các bà mẹ bỉm sữa tại Khoa Phụ sản biết chuyện Ruby bị bỏ rơi cũng đã gom góp khăn tã, áo quần sơ sinh sẻ chia cho bé. Ngày qua ngày, bé Ruby được xem như đứa con chung của cả Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức.
Hay chuyện bé Ruby, có đến 17 cặp vợ chồng hiếm muộn đã lặn lội đường xa từ Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Định… tìm đến bệnh viện xin nhận nuôi cháu. Rồi một ngày vui cũng đã đến, một cặp vợ chồng hiếm muộn ở Hội An, có điều kiện kinh tế, được nuôi bé. Cặp vợ chồng này đã làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi với chính quyền địa phương theo đúng quy định của luật pháp.
“Ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến lấy” - hoạt động gom góp và chia sẻ quần áo cũ cho người nghèo của Hội Chữ thập đỏ phường 2, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) tuy không phải là mô hình mới, nhưng qua đó, lòng nhân ái trong cộng đồng được tiếp tục khơi dậy và lan tỏa. Từ công sức lặn lội của bà con lao động bình dân, bảng rao nhận tại các shop quần áo ở chợ, chi hội chữ thập đỏ ở các trường học thuộc địa bàn thành phố Sa Đéc, đến những địa chỉ thiện nguyện gần xa, hàng chục bao quần áo cũ các loại đã được tập kết về sân chùa Từ Quang. Để chuẩn bị “lên đồ” cho người nghèo có nhu cầu đến chọn lựa vào sáng chủ nhật hàng tuần, một số cô chú là giáo viên, công chức về hưu, anh chị em phật tử và hội viên Hội Chữ thập đỏ phường đã vận động ủng hộ móc áo, sào cây inox, xà bông; đồng thời đến phân loại, giặt giũ, phơi khô và sắp xếp tươm tất.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, anh Ngô Đức Đối phải tha phương, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, cơ cực. Vì thế, khi đã tạm có cái ăn cái mặc, anh lại thấy thương những người khổ hơn mình. Ý nghĩ làm một việc gì đó để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn cứ thôi thúc trong lòng.
Vậy là, anh Đối đứng ra thành lập nhóm từ thiện Tâm Đức, tập hợp những người có cùng tâm nguyện tham gia công tác xã hội từ thiện, hoạt động suốt từ năm 2010 đến nay… Cứ mỗi ngày anh dành dụm một ít tiền kiếm được để làm từ thiện. Khi số tiền được kha khá, anh bắt đầu tổ chức mua quà tặng bà con nghèo. Theo thời gian, số lần đi tặng quà ngày một nhiều hơn. Nhiều bạn bè thân hữu biết được việc làm ý nghĩa cũng chung tay đóng góp mỗi người một ít, để cùng anh tổ chức thực hiện những chuyến tặng quà từ thiện đến với đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa.
Giúp nhau vượt qua nghịch cảnh
Câu chuyện về hoàn cảnh éo le của cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trường THCS Tân Bình, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang ai nghe qua cũng chạnh lòng. Lập gia đình trên 10 năm nhưng cô không thể có con vì mắc phải căn bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Gần 8 năm chạy thận liên tục tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), sức khỏe của cô Mai đã giảm sút rất nhiều, nhất là những hôm trái nắng trở trời. Đều đặn mỗi tuần 3 lần, cô Mai phải tới bệnh viện chạy thận để duy trì sự sống. Do quá trình chạy thận nhiều năm nên những chỗ bác sĩ đặt đường ống khi tiến hành lọc máu trên cánh tay cô nổi lên những đường gân lớn, nước da tái nhợt, người gầy ốm.
Từ khi mắc bệnh, cuộc sống gia đình cô xáo trộn hoàn toàn. Tuy rằng 12 triệu đồng từ bạn đọc Báo SGGP hỗ trợ cô Mai không nhiều nhưng cũng giúp cô vơi bớt khó khăn và tiếp thêm nghị lực trong cuộc hành trình sống chung cùng bệnh tật.
Bà Mai Thị Mai (56 tuổi, ở ấp Phú Nông, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) mắc phải căn bệnh nan y từ nhiều năm. Thấu hiểu gia cảnh khó khăn của bà nên Hội Chữ thập đỏ xã vận động bà con chòm xóm được gần 7 triệu đồng đưa bà đi bệnh viện. Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM chẩn đoán bà Mai bị ung thư lưỡi, phải xạ trị nhiều lần, nếu không kiên trì chữa trị sẽ rất nguy hiểm. Định bỏ cuộc, liều cho số phận vì không tiền. Thế nhưng, nhờ bạn đọc Báo SGGP giúp đỡ 26,8 triệu đồng, bà đã có thêm điều kiện duy trì sức khỏe cho đến hôm nay.
Anh Nguyễn Thanh Quang, ở khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đang khỏe mạnh, làm thợ hồ thu nhập trên 120.000 đồng/ngày, đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, nuôi vợ và 2 con nhỏ. Đùng một cái, sau một đêm ngủ dậy, anh cảm thấy cả người ê ẩm, đau nhức ở lưng rồi bị tê và mất cảm giác lưng.
Gia đình đã đưa anh đi khám ở Bệnh viện Tâm Trí TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Bác sĩ cho biết, anh Quang mắc quá nhiều bệnh: gai xương, thoái hóa các thân đốt sống và thoái hóa mất nước đĩa đệm các tầng thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, chèn ép mặt trước bao màng cứng, chèn ép rễ thần kinh hai bên…, nếu không sớm phẫu thuật sẽ dẫn đến bại liệt và ảnh hưởng đến tính mạng. Nhờ thông tin trên báo SGGP, anh đã có được 29 triệu đồng phẫu thuật duy trì sự sống đến nay.
Hoàn cảnh rất khó khăn của gia đình anh Trần Văn Viện và chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ tại ấp An Phú, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), chồng bị ung thư tuyến giáp, vợ bị ung thư vú, nuôi 3 con nhỏ, không tiền chữa bệnh. Xót thương hoàn cảnh của vợ chồng nghèo này, với tình cảm nhân ái, bạn đọc Báo SGGP đã chuyển đến Báo SGGP ủng hộ tổng cộng 46,5 triệu đồng giúp gia đình anh Viện và chị Hạnh.
Anh Yêng Hồng Mỹ (ở ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, Tây Ninh) bị tai nạn gãy chân, phải bắt ốc vít. Khi vết thương ở chân đã tới kỳ tái khám, tháo bỏ ốc vít, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, người nhà không có tiền đưa anh Mỹ đến bệnh viện. Bạn đọc Báo SGGP đã đóng góp 14,9 triệu đồng giúp anh Yêng Hồng Mỹ thực hiện ca phẫu thuật thành công.
Những phận người, những mảnh đời bất hạnh khi nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của xã hội, họ đã có thêm động lực để vượt qua nỗi đau, tiếp tục gầy dựng lại cuộc sống tốt hơn. Bước vào năm 2018, Báo SGGP tiếp tục cải tiến trang Nhịp cầu nhân ái để trang báo thật sự là nhịp cầu nối những tấm lòng đến với tấm lòng. Ước mơ của những nhà báo thực hiện trang chuyên đề này là ngày càng vơi đi những mảnh đời bất hạnh, những số phận không may mắn. Mong sao có một ngày, trái tim yêu thương, sẻ chia của những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm sẽ đập những nhịp thật yên bình. Để cuộc sống quanh ta vơi bớt đi những cảnh khổ đau, vụn vỡ của bao thân phận con người…
Trong năm 2017, trang “Nhịp cầu nhân ái” Báo SGGP đã thông tin cùng bạn đọc gần 100 mảnh đời cơ nhỡ, neo đơn, bệnh tật hiểm nghèo cần giúp đỡ, đã được bạn đọc góp hơn 3,3 tỷ đồng chia sẻ kịp thời. Nhờ đó mà biết bao số phận đã vượt qua nghịch cảnh. Ngoài bạn đọc trong nước, những người làm báo SGGP còn tiếp nhận ngày càng nhiều tấm lòng của bạn đọc là Việt kiều gửi về hoặc trực tiếp đến tòa soạn. Những người Việt ở xa quê hương đã nhiều năm, mặc dù bận rộn với công việc mưu sinh nhưng lòng vẫn luôn hướng về quê hương ruột thịt, đặc biệt là những mảnh đời bất hạnh được phản ánh trên trang Nhịp cầu nhân ái của báo.